Dự thảo đề xuất sửa đổi 5 luật thuế vừa được Bộ Tài chính hoàn thành, trong đó, điểm đáng chú ý là Bộ Tài chính "bổ sung thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế trừ các sản phẩm sữa".
Theo tính toán, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 5.005 tỷ đồng.
Các bộ tranh cãi
Lý giả về căn cứ để đánh thuế, Bộ Tài chính cho hay hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2.000 lên 5,3% năm 2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh mức tỷ lệ này lên tới 10,8% (đặc biệt tại khu vực trung tâm tỷ lệ này lên đến 12%) cao hơn mức trung bình của Châu Á và các nước đang phát triển (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%).
Trong bản góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng việc đưa trà, cà phê uống liền vào nhóm mặt hàng đồ uống sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý, vì muốn đánh thuế mặt hàng nào, cần phải xác định rõ mức độ hàm lượng đường là bao nhiêu để áp thuế TTĐB cho phù hợp.
Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước, lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu..
Bộ này cho rằng hiện nay chưa có nghiên cứu nào đề cập đến sự lạm dụng trà, cà phê uống liền dẫn đến thừa cân, béo phì, bệnh về tim mạch, tiểu đường…Trong khi đó, chủ trương chính sách chung hiện nay đều khuyến khích ngành công nghiệp chế biến nông sản để giúp nâng cao giá trị gia tăng và tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các mặt hàng trên vào đối tượng chịu thuế TTĐB mục đích nhằm để hướng dẫn, định hướng tiêu dùng, vì loại đồ uống có đường gây tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, để có căn cứ thuyết phục đề nghị cần nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở nước ta với sản lượng, mức tiêu thụ nước ngọt bình quân/người hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Tài chính cần có nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước, lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu...
Từng góp ý cho dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng giải trình của Bộ Tài chính chưa thực sự thuyết phục bởi chưa phân tách được tác hại đồ uống có ga (dự kiến áp thuế TTĐB) với đồ uống không có ga (không thuộc diện dự kiến áp thuế TTĐB).
Bên cạnh đó, nhiều lập luận của Bộ Tài chính thực chất là về tác động nguy hại của nước ngọt nói chung (có ga hoặc không có ga), ví dụ về tác hại của đường, của chất tạo màu, của hương liệu, chất bảo quản, cafein…. Do đó, không thích hợp để sử dụng trong giải trình về việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga mà không áp dụng thuế đối với nước ngọt không có ga.
Theo VCCI, việc áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt có ga chỉ hợp lý nếu ban soạn thảo có giải trình đầy đủ, chặt chẽ và thuyết phục hơn về các tác động nguy hại của riêng nước ngọt có ga đối với sức khỏe con người (chứ không phải là các tác động nguy hại nói chung của nước ngọt).
Đồng thời, VCCI cũng cảnh báo, hiện nay trên thị trường nước ngọt có ga không cồn chiếm thị phần lớn chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nước ngọt không có ga không cồn lại chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước.
Vì vậy, Ban soạn thảo cần có giải trình cẩn trọng, đầy đủ, tránh trường hợp khi quy định được áp dụng, Việt Nam có thể phải đối mặt với các cáo buộc phân biệt đối xử từ các đối tác theo các quy định của WTO.
Trước đó, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Chỉ có bốn quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, chiếm khoảng hai phần trăm dân số trong khu vực, đánh thuế TTĐB lên nước ngọt. “Hầu hết các quốc gia không đánh thuế này vì nó có tác động xấu đến nền kinh tế và chưa được chứng minh là bảo vệ sức khoẻ”, Hiệp hội nêu.
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp
Về vấn đề này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, nên cân nhắc việc xếp trà, cà phê... vào nhóm hàng tiêu thụ đặc biệt bởi đây là hàng hóa thông dụng trong cuộc sống hiện nay.
“Có nhiều nghiên cứu cho rằng uống trà có lợi cho cơ thể. Hơn nữa, Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất được rất nhiều chè. Cho nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với trà thì cần có những xem xét, cân nhắc hợp lý. Một số quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với trà chủ yếu là vì họ phải nhập khẩu mặt hàng này thôi”, ông Thịnh nói.
Bình luận thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng nước ngọt, trà, cà phê… sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm doanh thu lợi nhuận. Từ đó, nguồn thu của Nhà nước từ các loại thuế khác như giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp và phần nào là thuế thu nhập cá nhân bị sụt giảm".
Dẫn chứng cụ thể, ông Long nói: sau khi Indonesia áp thuế TTĐB nước giải khát có ga, ngân sách nước này đã thâm hụt ròng 783,4 tỷ Rupi, tương đương 1.384 tỷ đồng.
Đồng thời, ông Long cho hay, tại Việt Nam, thời điểm Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga năm 2014, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ước tính rằng việc áp thuế TTĐB 10% lên đồ uống có ga không cồn có thể mang lại thêm 8,46 triệu USD cho ngân sách nhưng lại làm ngành nước giải khát thiệt hại khoảng 40,2 triệu USD và kéo theo khoản thiệt hại khoảng 12,1 triệu USD cho các ngành khác.
Vì vậy, ông Long kiến nghị: Bộ Tài chính cần tính toán cụ thể về tác động của sắc thuế đối với ngân sách nhà nước để minh chứng cho hiệu quả của đề xuất này. Nếu chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại Việt Nam.
"Nếu sau khi nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì thì cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định, tương tự như cách làm của một số nước Đông Nam Á. Phương pháp này vừa giúp tránh đánh thuế đối với một số sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không thể tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì nếu hàm lượng đường thấp thì không thể là nguyên nhân gây béo phì", ông Long nói.