Chỉ cần liên thông dữ liệu giữa ngành giao thông và công an tốt, tài xế nào sử dụng bằng đã đã huỷ, bằng giả, cảnh sát giao thông sẽ phát hiện ngay.
Mới đây, trong phiên họp của Uỷ ban Tư pháp tổ chức nhằm giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã làm “dậy sóng” dư luận khi phát ngôn: “…Chúng tôi cũng đề xuất phương án, tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3”.
Thực tế là mặc dù quy định liên kết đã có từ lâu nhưng ngành giao thông (chịu trách nhiệm về quản lý, sát hạch, cấp phát giấy phép lái xe vẫn chưa thể liên thông với ngành công an (nơi có thẩm quyền thu giữ, xử lý bằng lái của tài xế vi phạm. Đó là nguyên nhân dẫn tới người vi phạm bị Cảnh sát giao thông các địa phương xử phạt dưới hình thức tước bằng lái có thể dễ dàng báo với Sở Giao thông Vận tải là mất để được cấp lại bằng mới.
Tức là, chỉ cần liên thông dữ liệu giữa ngành giao thông và công an tốt, tài xế nào sử dụng bằng đã hủy, cảnh sát giao thông sẽ phát hiện ngay. Theo đó, các bên phối hợp chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm, yếu kém, không quản lý được nhưng lại đẩy trách nhiệm về người dân, bắt dân phải chịu thì không chấp nhận được, quá phi lý.
Nói thẳng ra, tất cả người mất bằng lái xe phải thi lại là không hợp lý, không hợp tình, không khoa học. Mất bằng lái xe không phải là mất năng lực lái xe; Yêu cầu cấp lại bằng là quyền công dân và là trách nhiệm của bộ máy Nhà nước thuộc quyền Bộ trưởng.
Có thể bạn quan tâm
15:06, 07/03/2019
Hiện, công nghệ thông tin đã rất phát triển, có rất nhiều cách quản lý giấy phép lái xe đã cấp, nếu ứng dụng công nghệ sẽ phát hiện ngay bằng thật hay giả, còn hiệu lực hay đã bị hủy... Nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi cơ bản về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông nhờ áp dụng dữ liệu lớn, mã QR, camera,… khiến cho tinh thần thượng tôn pháp luật của cả công chức nhà nước và người dân tăng lên đáng kể. Điều này giúp giảm rất nhiều rủi ro tai nạn giao thông, tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao năng lực quản lý.
Trong buổi trò chuyện với vị Phó Giám đốc Phân hiệu Cao đẳng Đường sắt Đà Nẵng mới đây, ông nói: “Những người muốn gian lận, lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thứ 3 vẫn chỉ là số ít. Nên không thể bắt tất cả những người mất bằng lái đi thi để cấp lại thì đó là một việc quá máy móc, phản khoa học, đi ngược lại với cái gọi là công nghệ 4.0” – Vị Phó Giám đốc (xin giấu tên) nói.
Thậm chí, không ngần ngại đánh giá năng lực quản lý của cơ quan chuyên trách có vấn đề, ông Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Qua đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông có thể thấy trình độ của quan chức, nhất là quan chức cao cấp có thẩm quyền, trách nhiệm khi hoạch định chính sách, vấn đề tư duy chính sách, kể cả trách nhiệm phát ngôn về chính sách ở tầm cao đang có vấn đề”.
Nói cách khác, mất bằng lái xe không phải là hành vi vi phạm pháp luật để phải chịu chế tài. Nếu người dân không may làm mất giấy phép thì cơ quan quản lý cần nhanh chóng hỗ trợ cấp lại chứ không thể bắt họ thi lại được.
Được biết, ngay sau đề xuất "mất bằng lái xe phải thi lại" dậy sóng dư luận, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ yêu cầu nghiên cứu lại các quy định xử lý với các trường hợp mất bằng lái.
Ông Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại; hoặc trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại với mục đích sở hữu đồng thời nhiều bằng lái xe. Với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại giấy phép lái xe nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tổng cục Đường bộ có trách nhiệm phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên tàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ bằng lái do vi phạm.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt lại công tác cấp giấy phép lái xe đã mất theo quy đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại bằng lái không đúng quy định. Đồng thời đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại bằng lái, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại bằng.
Hy vọng với những giải pháp trên, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, các trường hợp sử dụng bằng lái không hợp pháp sẽ sớm bị phát hiện, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cải cách hành chính là phải đơn giản hóa hành chính theo hướng thuận lợi cho người dân. Không thể vì không quản lý được một số nhỏ những trường hợp gian lận đó mà đưa ra quy định gây phiền hà cho số đông người khác.