“Để yên cho bác sỹ hiền”

HẢI NGÂN - LÊ LINH 27/02/2021 11:00

Sẵn sàng đi vào tâm dịch, gác lại chuyện riêng tư, xa gia đình và con nhỏ. Đấy là cách mà những người trong đội ngũ y tế Hải Phòng đang làm với quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19.

“Để yên cho bác sĩ hiền”, cuốn tự truyện của bác sĩ Ngô Đức Hùng, một cuốn sách đã tạo nên một góc nhìn mới về ngành Y và cho chúng ta cái nhìn đa dạng về bác sĩ. Không có những bài học lãng mạn hay giáo điều, cuốn sách thuật lại những gì thực tế chứ không hề trau chuốt, từ một góc nhìn bên trong nghề Y.

Và chắc hẳn, với ai đã đọc cuốn sách sẽ thấu hiểu những gian khổ của nghề Y - nghề mà hoạ và phúc chỉ cách nhau trong gang tấc. Và họ cũng sẽ hiểu hơn về những con người đang thầm lặng chiến đấu, giành giật sự sống từ bàn tay tử thần…

“Làm bác sĩ cái đầu phải lạnh nhưng trái tim phải nóng”, lời bộc bạch của bác sĩ Ngô Đức Hùng dường như đã nói lên chính những suy nghĩ của những người đang mang trên mình sứ mệnh lớn lao “cứu người”.

Lực lượng y bác sỹ vẫn ngày đêm nỗ lực hết mình để chiến đấu chống

Lực lượng y bác sĩ vẫn ngày đêm nỗ lực hết mình để chiến đấu chống "giặc COVID-19".

Cảm xúc không được phép xen vào cuộc chiến với tử thần, có vậy mới đủ độ tỉnh táo để chiến thắng được bệnh tật. Và câu nói ấy thật sự đúng trong thời điểm hiện nay, khi dịch COVID-19 bất ngờ ập đến, nó lê “chiếc máy chém” đi khắp thế giới và càn quét, đau thương bao phủ, ai oán lầm than. Nhưng ở Việt Nam, các bác sĩ sẵn sàng đương đầu với “nó” và tuyên chiến.

Những hình ảnh chiến sỹ áo trắng tràn ngập bao phủ khắp nơi, nhân dân ca ngợi và đặt niềm tin tuyệt đối vào đội ngũ y bác sĩ và tư lệnh ngành. Dường như tất cả đã quên hết trước đó từng có những chê trách: bác sĩ nói to, bác sĩ khám chậm, bác sĩ làm gì cũng được đưa lên các diễn đàn “mổ xẻ”. bác sĩ “co rúm” trước những phán xét của nhân dân và chỉ mong được “yên thân”.

Hơn một năm trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng vì COVID-19, bác sĩ "thổi còi" - người đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo về đợt bùng phát COVID-19 trước khi dịch bệnh được công nhận chính thức. Lúc đó bác sĩ trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, họ ca ngợi bác sĩ như những “thiên thần” và là “chiến binh áo trắng” có nhiệm vụ “giải cứu thế giới”.

Lực lượng y tế hướng dẫn người dân khai báo y tế tại các cửa ngõ ra vào TP Hải Phòng

Lực lượng y tế hướng dẫn người dân khai báo y tế tại các cửa ngõ ra vào TP Hải Phòng

Còn nhớ, vào những ngày đầu tháng 2/2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, những chiến sỹ áo trắng nhận nhiệm vụ lên đường chống dịch. Cùng với cả nước thời điểm ấy, Hải Phòng đã chuẩn bị sẵn sàng những khu cách ly để đón các công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về hay những chuyên gia, công nhân Hàn Quốc sang làm việc đến thực hiện cách ly, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Các bác sĩ ở Hải Phòng không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng với công việc của mình không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng.

Còn nhớ khi ấy, vừa quay trở lại làm việc trong khu cách ly tập trung tại cơ sở 2 bệnh viện Việt Tiệp để đón những công dân Hàn Quốc đầu tiên sang làm việc, chị Phạm Thị Nhữ - Phó trưởng phòng điều dưỡng, Bệnh viện Việt Tiệp đã tâm sự, trong khu điều trị và cách ly tập trung tại cơ sở 2 bệnh viện Việt - Tiệp có khoảng 50 bác sĩ, điều dưỡng thì phần lớn các nữ điều dưỡng tuổi đời còn trẻ, con còn nhỏ, mới ở tuổi mẫu giáo. Thế nhưng vì nhiệm vụ nơi tuyến đầu trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình, họ đã sẵn sàng lên đường, hàng tháng trời chưa được về với con nhỏ.

Sau một ngày làm việc vất vả với các phần việc từ chuẩn bị phòng, giường, đồ dùng cá nhân cho người thuộc diện cách ly có nguy cơ từ vùng dịch về; cập nhật, rà soát dữ liệu, rồi trực tiếp theo dõi, chăm sóc sức khoẻ của từng người, phải đến tối muộn, họ mới có thời gian điện thoại về nhà.  

Nghề y vốn đã vất vả, nhưng trong cuộc chiến với COVID-19 như hiện nay thì sự vất vả ấy lại nâng lên gấp bội phần. Không giờ nghỉ, thậm chí đang ăn vội bát cơm hay chiếc bánh mì nhưng hễ có lệnh là họ sẵn sàng lên đường. Thậm chí là xa gia đình cả tháng trời để đi chống dịch. Bởi với họ, hơn lúc nào hết, bệnh nhân đang cần họ để chữa trị, chăm sóc và động viên tinh thần. Thế mới thấy, bên trong vẻ ngoài nhỏ bé của những chiến sỹ áo trắng là bản lĩnh, nghị lực phi thường, ý thức, trách nhiệm về sứ mệnh cao cả của những “lương y”.

Đoàn công tác gồm 33 bác sĩ, điều dưỡng TP Hải Phòng khi xung phong lên đường vào Đà Nẵng

Đoàn công tác gồm 33 bác sĩ, điều dưỡng TP Hải Phòng lên đường vào Đà Nẵng.

Không chỉ tích cực trên tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng làm việc tại trong khu cách ly, các chốt kiểm soát dịch bệnh – nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, các y bác sĩ Hải Phòng còn được người dân gọi là những “anh hùng” khi đáp lại lời đề nghị chi viện đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao để hỗ trợ cho “chiến trường chống giặc” COVID-19 của TP Đà Nẵng hồi tháng 8/2020.

33 bác sĩ, điều dưỡng TP Hải Phòng khi xung phong lên đường vào Đà Nẵng, mỗi người đến từ mỗi khoa khác nhau, mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm tư khác, nhưng chung lại ở tinh thần quyết tâm “chống dịch cùng Đà Nẵng chính là thực hiện dập dịch cho cả nước”. Và khi hoàn thành sứ mệnh trở về, họ lại càng vững một niềm tin “Việt Nam chắc chắn sẽ chiến thắng đại dịch”.

Sau này, khi có dịp ngồi với bác sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Sở y tế Hải Phòng người “chỉ huy” của đội ngũ y bác sĩ Hải Phòng trong trận tuyến ở Đà Nẵng, bác sĩ đã thốt lên rằng: “Mừng nhất là các anh em (những y, bác sĩ xung phong tình nguyện vào Đà Nẵng) về xét nghiệm đều âm tính em ạ”. Đúng vậy, các bác sĩ trước tiên cũng là người bình thường, sau đó bên cạnh họ còn có gia đình và người thân. Điều mà bác sĩ mong mỏi không phải là sự khen hay tôn vinh, họ mong được bình an.

Lực lượng y tế Hải Phòng làm việc không kể ngày hay đêm

Lực lượng y tế Hải Phòng làm việc không kể ngày hay đêm

Đã 2 năm liên tiếp vào ngày “sinh nhật” của ngành, các bác sĩ ở Hải Phòng không có “mít tinh” không có hoa, không có những lời chúc mừng, nhưng với họ điều đó không quan trọng. Món quà mà các bác sĩ mong muốn nhất chính là làn sóng dịch thứ ba nhanh chóng kết thúc, đại dịch COVID-19 được kiểm soát, các bác sĩ được trở về với đời thường. Và quan trọng hơn cả họ muốn được… “hiền”.

Tâm nguyện của các bác sĩ bây giờ: “Bạn ở nhà với gia đình bạn để chúng tôi sớm được về với gia đình chúng tôi”. Lời nhắn nhủ, lời khuyên tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại chất chứa khát khao, mong chờ cháy bỏng ngày được gặp người thân của những nhân viên y tế tại Hải Phòng nơi tuyến đầu chống dịch. Đặc biệt là khi Hải Phòng xuất hiện thêm 3 ca dương tính với COVID-19. Trên mọi mặt trận tiền tuyến, chiến tuyến trong ổ dịch, các cán bộ y tế, những chiến sĩ vẫn khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng nay lại giống như “những ninja” kín mít bởi bộ trang phục bảo hộ vẫn làm việc hết mình.

Ngày đêm truy vết các “F”, lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện chăm sóc, cách ly đối với các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm; hướng dẫn thực hiện khai báo y tế tại cửa ngõ ra vào để “chặn” đứng nguy cơ lây nhiễm, đó là những công việc không tên mà đội ngũ y tế Hải Phòng đang thực hiện, chỉ với một quyết tâm nhanh chóng dập được dịch bệnh.

Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới phát sinh. Vì vậy, để chung sức cùng lực lượng y tế trên trận tuyến đầy cam go này, mọi người dân hãy cùng nêu cao ý thức, không được phép lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ

    Hải Phòng tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ

    02:36, 27/02/2021

  • Hải Phòng: Chủ động, bình tĩnh chống dịch

    Hải Phòng: Chủ động, bình tĩnh chống dịch

    11:00, 26/02/2021

  • Hải Phòng gỡ bí cho doanh nghiệp vận tải

    Hải Phòng gỡ bí cho doanh nghiệp vận tải

    06:15, 26/02/2021

  • Hải Phòng: Thêm 2 khu cách ly y tế tập trung

    Hải Phòng: Thêm 2 khu cách ly y tế tập trung

    11:14, 24/02/2021

  • Hải Phòng: Chống dịch COVID-19 bằng… niềm tin!

    Hải Phòng: Chống dịch COVID-19 bằng… niềm tin!

    05:30, 23/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Để yên cho bác sỹ hiền”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO