Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự án Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hợp tác đầu tư có giá trị nghiệm thu tại thời điểm thanh tra gần 365 triệu USD. Sau 2 năm đi vào hoạt động, dự án đã để thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.
Nguyên nhân được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là PVN, Vinatex và các đơn vị, cá nhân liên quan vi phạm các quy định khi thực hiện đầu tư, xây dựng dự án. Cụ thể, Vinatex được xác định thiếu trách trách nhiệm trong việc góp vốn điều lệ, không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án.
PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTEX nhưng quá trình điều hành, giám sát còn nhiều vi phạm. Việc nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng công ty Cổ phần Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến phải chịu toàn bộ khoản lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.
Vẫn theo kết luận thanh tra, PVN liên quan đến tất cả sai phạm của chủ đầu tư PVTEX trong quá trình quyết định dự án đầu tư, phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu gói thầu EPC.
Đặc biệt, HĐQT và Tổng giám đốc PVTEX không tổ chức thẩm định khi phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng mức đầu tư, dẫn đến nội dung dự án không phù hợp, không đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể; phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chi phí vốn lưu động, tăng sai một số khoản chi phí trị giá gần 39 triệu USD. Trách nhiệm liên quan trực tiếp đến các vi phạm trên thuộc Tổng giám đốc, HĐQT PVTEX.
Ngoài ra, HĐQT và Tổng giám đốc PVTEX phê duyệt hồ sơ mời thầu nhưng không tổ chức thẩm định và có báo cáo thẩm định; thư mời thầu thiếu thông báo thời điểm đóng thầu và mở thầu; nội dung hồ sơ mời thầu chưa phù hợp quy định; các chi phí trong nước không sử dụng bằng đồng tiền Việt Nam làm tăng chi phí chênh lệch tỷ giá ngoại tệ gần 47 tỷ đồng khi thanh toán; nghiệm thu tăng sai, trùng lắp khối lượng so với hồ sơ hoàn công một số hạng mục công trình với giá trị hơn 23.000 USD và 8 tỷ đồng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ còn cho thấy HĐQT và Tổng giám đốc PVTEX không tổ chức thẩm định trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phân chia dự án thành các gói thầu thiếu cơ sở, sơ tuyển nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt và trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu không yêu cầu các tiêu chuẩn cơ bản về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm trong xây dựng Nhà máy xơ sợi đối với nhà thầu…
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng khuyên PVN nên bán nhà máy xơ sợi Đình Vũ PVTex. Nếu càng giữ lại nhà máy càng thua lỗ thêm, phải tính toán ngay phương án bán luôn nhà máy. Đây là một giải pháp thị trường nhất và hạn chế thiệt hại thêm cho Nhà nước. Bản thân doanh nghiệp khó có thể kiến nghị phương án bán nhà máy vì lỗ là mất vốn nhà nước, sẽ có người phải chịu trách nhiệm. Nhưng Nhà nước cần cân nhắc phương án hạn chế những thiệt hại cho nền kinh tế.
"Thà cắt lỗ, đưa tư nhân hay những nhà đầu tư có khả năng, với mức giá nào đó chấp nhận mua và vào quản trị, vực doanh nghiệp dậy, thì lợi ích nhà nước sẽ lớn hơn về dài hạn”, ông Thiên nói.
Khi được hỏi: “Một nhà máy có vốn đầu tư lên tới 6.000 – 7.000 tỉ đồng lại được trao quyền quyết định đầu tư cho HĐQT của một doanh nghiệp nhà nước, theo ông có phải là cơ chế hợp lý?”, ông Thiên cho biết: “Không chỉ VN mà tất cả các nước, HĐQT đều được toàn quyền quyết định về việc đầu tư. Với những doanh nghiệp nhà nước, khi HĐQT đã được ủy quyền, họ phải được quyết định".
Tuy nhiên, vấn đề phải là trách nhiệm cá nhân, ai quyết thì người đó chịu trách nhiệm. Việt Nam chưa được như thế. Cứ cho người ta quyết 50%, còn 50% xin ý kiến, thì khi có vấn đề ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Thiên, nếu có quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân, khả năng quyết sai giảm đi rất nhiều. Còn với kiểu trách nhiệm tập thể, tài sản không phải của họ, có thể có lạm dụng sự lãnh đạo tập thể để đưa quyết định cá nhân vào, nhằm mục đích nào đó, mà không phải chịu trách nhiệm. Ở vị trí nhất định, họ không những có thể đưa những quyết định cá nhân lấn át, mà còn có thể tác động tới lợi ích của những người có thể phản đối. Do đó, trong cải cách bộ máy nhà nước, cần gắn chức năng và trách nhiệm cá nhân.