Dự án ethanol Dung Quất là một trong số những trường hợp khiến PVN thua lỗ nặng nề.
Trước đó, khi quyết định đầu tư, nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển hướng tích cực từ cây trồng khác sang cây nguyên liệu…
Tuy nhiên, trên thực tế, nhà máy đã tạm dừng sản xuất từ tháng 4/2015 và hơn 40 nhân công/tổng số 220 nhân công đã nghỉ việc, trong đó chủ yếu là các kỹ sư giỏi của nhà máy. Số còn lại phải chuyển sang làm công việc bảo dưỡng, duy tu hoặc làm bảo vệ trong lúc chờ nhà máy sản xuất lại.
Năm 2014, công ty chỉ phân phối được 5.000 m3 ethanol cho thị trường trong nước (đạt 5% công suất nhà máy), việc sản xuất cầm chừng của nhà máy đã dẫn đến khoảng lỗ trên 140 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân đóng cửa, đại diện phía chủ đầu tư từng cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá thành của xăng sinh học E5 không thể cạnh tranh được với xăng RON 92, chỉ thấp hơn hàng nghìn đồng so với RON 92, trong khi người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng xăng sinh học.
Phía chủ đầu tư dự án từng phải kiến nghị cơ quan thuế Quảng Ngãi xem xét tạm hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra năm 2016. Hiện dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại ba ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp này ít nhất phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng, nhưng không có khả năng thanh toán.
Lãnh đạo Bộ Công Thương từng thừa nhận, đây là một trong những dự án khiến PVN phải gánh thua lỗ lớn nhất. Trước đó, khi quyết định đầu tư, Nhà máy Ethanol Dung Quất được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường...
Nêu ra giải pháp nhằm phục hồi Nhà máy ethanol Dung Quất, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, biện pháp tốt nhất là liên doanh, liên kết hoặc bán đứt nhà máy cho nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, đứng trước băn khoăn công nghệ, thiết bị của Nhà máy ethanol Dung Quất "đầu Ngô mình Sở" sẽ là rào cản khiến nhà đầu tư kém mặn mà, ông Hồ bày tỏ, Ethanol Dung Quất sử dụng công nghệ nguồn của Mỹ, Mỹ chuyển giao cho Trung Quốc và Trung Quốc có thiết bị. Thực ra, thiết bị, máy móc của Trung Quốc không phải là xoàng, thậm chí họ làm trong nước họ rất tốt. Tuy nhiên, khi họ bán cho Việt Nam thì phải rất cẩn thận.
TS Lưu Bích Hồ lo ngại nếu để DNNN đảm nhận việc phục hồi Nhà máy ethanol Dung Quất, vì cái "dớp" của DNNN, là sự thiếu minh bạch, thiếu an toàn, dễ tư túi. Ông khẳng định không phải DNNN kém về kiến thức, khả năng mà bởi họ dùng vốn của Nhà nước kinh doanh nên "cha chung không ai khóc". Trong khi đó, nếu để tư nhân làm, tiền túi họ bỏ ra, của đau con xót nên làm gì, mua thiết bị, công nghệ của ai... họ đều phải tính toán cẩn thận.