Nói về 13 dự án nghìn tỷ thua lỗ, nằm “đắp chiếu”, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, đó là nỗi đau của đất nước, của nhân dân.
Thống kê ban đầu nói đến 6 – 7 dự án thua lỗ lớn. Sau đó đến 8 – 9 dự án, rồi sau đó đến 12 dự án và bây giờ lại lòi thêm một dự án nghìn tỷ thua lỗ nữa. Trước thực tế trên, người dân và cử tri có đặt ra vấn đề: liệu còn bao nhiêu dự án thua lỗ nữa? 13, 15, 20 dự án thua lỗ đắp chiếu, hay đến con số bao nhiêu nữa thì mới dừng lại?
Với những dự án thua lỗ nghìn tỷ này, dự án nào khắc phục được và dự án nào không khắc phục được? Bên cạnh đó, mức độ thiệt hại từ những dự án này đã tính được đầy đủ chưa, hay còn những thiệt hại khác, những khoản thua lỗ, mất mát khác chưa tính được hết? Đặc biệt, điều cử tri và nhân dân quan tâm là ai đứng ra chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cử tri về những dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả như thế này?
Cá nhân ông Nhưỡng đề nghị Bộ Công Thương phải phối hợp với các bộ, ngành hữu quan khác rà soát lại toàn bộ những dự án có nguy cơ thua lỗ, tiềm ẩn những rủi ro. Để từ đó chúng ta có phương án hữu hiệu, kịp thời khắc phục ngay, không để lây lan như bệnh dịch. Nếu không, cứ thỉnh thoảng lại lòi ra một dự án thua lỗ đắp chiếu như thế thì rất đáng lo ngại.
Bên cạnh đó cũng cần phải đưa ra nhiều phương án, trong đó có cả phương án mang tính xã hội hóa để giải quyết các dự án nghìn tỷ thua lỗ này. Nếu bây giờ cứ để một mình nhà nước, một mình Bộ Công Thương hay một bộ, ngành nào đó giải quyết thôi thì sẽ không hiệu quả. Làm như vậy, thậm chí còn có thể dẫn đến những rủi ro, khuất tất mới trong quá trình xử lý các dự án đắp chiếu này.
“Tóm lại, tất cả những cán bộ, cá nhân, cơ quan có liên quan đến các dự án thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả, từ cán bộ tham mưu, đến những người ký vào dự án đều phải chịu trách nhiệm, tùy tính chất mức độ khác nhau. Theo tôi cũng cần phải có báo cáo về việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan với những phương án thật cụ thể, rõ ràng”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Vẫn theo ông Nhưỡng, nếu chúng ta không khẩn trương xử lý thì mỗi ngày sẽ mất bao nhiêu tiền khi tính lãi suất đầu tư. Bên cạnh đó, còn mất đi không biết bao nhiêu cơ hội cho các dự án phát triển khác. Thậm chí thua cả đầu tư cho người nghèo vay vốn.