Thực hiện Nghị quyết số 01; 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ, những điểm “nghẽn” phát triển KT-XH sẽ được Điện Biên “khơi thông” năm 2019, hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,2%?
Theo ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thì, năm 2019, được xác định là năm có ý nghĩa bứt phá để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển KT – XH (kinh tế, xã hội) 5 năm giai đoạn 2016-2020. Điện Biên quyết liệt thực hiện phương châm hành động của năm mà Chính phủ chỉ đạo là, “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”.
“Mổ xẻ” bất cập
Qua báo cáo tình hình phát triển KT –XH năm 2018 cho thấy, Điện Biên duy trì tăng trưởng kinh tế khá, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10.482 tỷ 240 triệu đồng, tăng 7,15% so với thực hiện năm 2017. Đặc biệt, tái cơ cấu nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tiến bộ, thu hút được các dự án lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp (với 02 dự án đầu tư trồng Mắc ca với định hướng trồng 15.000 ha gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên). Ngoài ra, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao (đạt 10.237,7 tỷ đồng tăng 25,27%) so với cùng kỳ nhất là vốn ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp tư nhân (tăng 53% so với năm 2017).
Mặt khác, theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Phòng TM&CN Việt Nam VCCI, cho thấy PCI những năm gần đây được cải thiện đáng kể. Minh chứng, năm 2017, tổng điểm PCI đạt 60,57 điểm, tăng 4,09 điểm, tăng 05 bậc so với năm 2016 xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính (Par-Index) đạt 24/63, tỉnh thành phố, tăng 18 bậc (năm 2016 là 42/63); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tăng 13 bậc, xếp thứ 22/63 tỉnh thành trong cả nước.
Năm 2018, tuy chưa có kết quả đánh giá của các cơ quan tổ chức xong qua kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị có thể đánh giá các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện tích cực, cụ thể: Việc triển khai thực hiện Chính phủ điện tử đến nay, Điện Biên có khoảng 1.531 thủ tục hành chính, trong đó có khoảng 702 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên cổng, trang thông tin của cơ quan nhà nước. Các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp đầy đủ ở mức độ 1 và 2, trong đó có 52 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3.
Ông Vũ Lệnh Nghị, Phó GĐ Sở KH&ĐT cho biết, trong năm 2018, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 29 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 4.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng an ninh và dự toán NSNN năm 2019 diễn ra mới đây, ông Sơn cho rằng vẫn còn một số hạn chế cần xử lý dứt điểm. Cụ thể, ông Sơn cho rằng, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, cải cách tổ chức bộ máy trong một số cơ quan chưa rõ nét, hiệu quả hoạt động chưa cao. Mặt khác, công tác tham mưu, trao đổi phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa các cấp các ngành, các huyện, thị xã, thành phố còn chưa chủ động, chất lượng tham mưu ở một số lĩnh vực còn thấp, chưa mang tính đột phá…
Những nguyên nhân trên cũng được ông Sơn chỉ rõ, nguồn lực đầu tư phát triển hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển KT - XH, một số nguồn vốn phân bổ chậm, thời gian, thủ tục, trình tự đầu tư kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, năng lực quản lý của chủ đầu tư, chất lượng tư vấn một số chương trình, dự án còn hạn chế, cơ chế, chính sách nhà nước còn nhiều bất cập, chưa sửa đổi kịp thời. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành có nội dung chưa chặt chẽ và kịp thời. Vai trò người đứng đầu ở một số đơn vị chưa được phát huy, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, yếu kém, thiếu chặt chẽ, chưa chủ động tham mưu, rà soát tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
“Nếu các cấp, các ngành tập trung quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch ngay từ đầu năm, đề ra được những giải pháp cụ thể, sát với điều kiện thực tế và chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp sẽ phát huy được sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện. Ngược lại nếu chúng ta chỉ đạo chung chung, không rõ việc hoặc không xác định được những giải pháp cụ thể sẽ không thể đạt được các mục tiêu đã đề ra” ông Sơn khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
21:02, 16/01/2019
21:01, 16/01/2019
20:45, 16/01/2019
17:43, 16/01/2019
Hoá giải thách thức?
Theo các chuyên gia kinh tế, Điện Biên muốn hiện thực hoá mục tiêu phát triển KT – XH năm 2019, (GRDP) 7,2%, thu ngân sách trên địa bàn 1.196 tỷ 397 triệu đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 11.838,88 tỷ đồng, tăng 15,64% so với năm 2018. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ ước đạt 83 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ước đạt 50 triệu USD, tăng 13,64% so với ước thực hiện năm 2018… Đào tạo nghề cho 8.000 lao động, tạo việc làm mới cho 8.650 lao động. Điện Biên, cần thực chất hơn trong việc tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước, tự khởi nghiệp tự phát triển, chú trọng tư vấn hỗ trợ người dân ở khu vực tự kiếm việc làm ngoài nhà nước. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả, cải cách hành chính, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng với quan điểm trên, những đề xuất, tham mưu của các cấp các ngành chính quyền về tính thực tế các giải pháp, tính khả thi, những giải pháp nào trọng tâm cần được tập trung ưu tiên về các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh và dự toán NSNN năm 2019. UBND Điện Biên đã xác định tập trung chỉ đạo thực hiện 08 nhiệm vụ trọng tâm và 08 nhóm giải pháp chủ yếu.
Trong đó, Điện Biên chú trọng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành TƯ nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá theo tinh thần chỉ đạo của TƯ về đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tuân thủ theo hệ thống Luật pháp hiện hành.
Tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực, không để tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đảm bảo theo các quy định pháp luật về quy hoạch.
Nắm bắt các quy định của TƯ, rà soát hoàn thiện quy trình thực hiện các dự án theo hình đối tác công tư (PPP). Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, công trình thiết yếu có quy mô lớn, có sức lan tỏa, kết nối giữa các vùng, nhất là hạ tầng tại các khu vực trọng điểm; đặc biệt là dự án Nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên được xác định là khâu đột phá trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, khi phương án đề xuất đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện.
Gắn kết chặt chẽ phát triển giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên lựa chọn mô hình để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh gắn với xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong giáo dục dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục và đào tạo; tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu lao động và đưa lao động địa phương đi làm việc tại các khu Công nghiệp, các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Đẩy mạnh công tác phổ biến, chuyển giao và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tập trung xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường, tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, nhất là các doanh nghiệp đã tạo được uy tín, có xu hướng gắn bó phát triển lâu dài trên địa tỉnh. Tăng cường thực thi các chủ trương, chính sách về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, đặc biệt là việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu thầu, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch, phấn đấu đưa tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng bằng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 40% về số lượng gói thầu và 15% về giá trị gói thầu.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, trong đó tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa; coi phát triển nông nghiệp hiệu quả cao là trọng tâm, ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung về Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả đặc biệt là các mô hình phát triển sạch, bền vững thân thiện với môi trường sinh thái.
Tập trung vào các giải pháp để thực hiện thu hút đầu tư vào công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất, chế biến; tiếp tục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án nhà máy thủy điện, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020”. Xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch; tăng cường liên kết phát triển du lịch, đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo.
Tích cực triển khai các nội dung trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, trọng tâm hoàn thiện trình phê duyệt để triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030, dự án Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng và Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại đồi F.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông…
Để hiện thực hoá các giải pháp, ông Sơn bộc bạch, các cấp các ngành cần sâu sát cơ sở hơn nữa, tích cực giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ trong chỉ đạo điều hành.
“Tất cả các chương trình, dự án thuộc ngành, đơn vị cần phải triển khai ngay từ những ngày đầu tháng 01/2019, không để sang các tháng sau mới khởi động dự án. Đặc biệt, kiên quyết không để chậm tiến độ công việc” Ông Sơn nhấn mạnh.