Với phương châm kiến tạo phục vụ doanh, người dân những năm gần đây Chính quyền Điện Biên không chỉ tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh định kỳ 2 lần/ năm, mà hàng ngày hàng giờ cái khó của doanh nghiệp luôn được chính quyền lắng nghe phục vụ.
Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQCP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh Điện Biên đã tập trung cải cách TTHC, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tháo gỡ khó khăn, cải thiện và thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Những con số biết nói
Minh chứng, vị thế tiên phong trong việc cải cách, đổi mới, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất năm 2018 diễn ra chiều 5/1, ông Lê Thành Đô - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, tỉnh rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xuống tối đa còn 3 ngày làm việc.
Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 10 ngày (theo quy định là 15 ngày đối với dự án không phải cấp quyết định chủ trương đầu tư), 30 ngày (theo quy định là 37 ngày đối với dự án phải cấp quyết định chủ trương đầu tư), 20 ngày (theo quy định là 25 ngày đối với dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, nhận chuyển nhược quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện tại khu công nghiệp) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan về đầu tư, thẩm định dự án, GPMB, đất đai, xây dựng, môi trường … theo hướng giảm 1/3 thời gian so với quy định để doanh nghiệp triển khai được nhanh chóng và thuận lợi.
Ông Mùa A Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (thứ tư từ trái qua phải) đang trao đổi doanh nghiệp, nhà đầu tư bên lề Hội nghị.
Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước…. UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1467/UBND-NC ngày 29/5/2017 giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Trong đó, thủ trưởng các cấp, các ngành thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra nếu để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra thiếu căn cứ, không ban hành được kết luận thanh tra, kiểm tra theo các dấu hiệu vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Đặc biệt, để tăng cường hơn nữa việc tiếp nhận thông tin, phản ánh của doanh nghiệp và người dân, UBND tỉnh đã mở Chuyên mục hỏi đáp trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Số điện thoại đường dây nóng (0215 3824161) qua đó kịp thời tiếp nhận và xử lý những phản ảnh về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
“Quán triệt tới toàn thể cán bộ công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu và về tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý” - ông Đô nói.
Với những nỗ lực trên, năm 2017, Điện Biên đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 25 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 3.200 tỷ đồng. Đăng ký thành lập mới và đăng ký thay đổi, bổ sung 295 doanh nghiệp (115 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn 1.205 tỷ đồng); Nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 1.130 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 15.635 tỷ đồng và 180 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại địa phương…
Cũng theo ông Đô, hiện tỉnh đang giao các ngành tham mưu chủ trương đầu tư cho 9 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Đóng góp của các doanh nghiệp cho ngân sách tỉnh ngày càng lớn góp phần quan trọng đưa tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2017 đạt 1.054 tỷ đồng, góp phần nâng cao tính chủ động trong điều hành ngân sách, có thêm nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng và đáp ứng các nhiệm vụ chi cấp bách phục vụ cho nhu cầu của xã hội và nhân dân.
Tiên phong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi
Với tinh thần cầu thị, cam kết của Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh, Mùa A Sơn cùng các cấp các ngành, thực hiện nhất quán đổi mới cải cách hành chính phục vụ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tại Hội nghị gặp mặt và đối thoại các doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên lần thứ nhất năm 2018. Để đủ điều kiện đấu thầu bà Nguyễn Thị Hoan – Phó Giám đốc Công ty An Toàn Phát là một trong số ít doanh nghiệp kêu khó, việc công ty phải về Hà Nội học để được cấp chứng chỉ đấu thầu là việc cực chẳng đã đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, về lĩnh vực thuế bà Hoan cũng thắc mắc, doanh nghiệp chậm nộp thuế thì bị phạt còn doanh nghiệp nộp thừa thuế lại không được khấu trừ.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở xa Hà Nội bà Hoan đề nghị tỉnh kiến nghị Bộ KH&ĐT tổ chức mở lớp đào tạo cấp chứng chỉ tại tỉnh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm bà Hoan về lĩnh vực thuế, ông Bùi Văn Thọ - Giám đốc Công ty xây dựng tư nhân Trường Thọ bức xúc nói, hiện nay vấn đề nộp thuế thừa thì ngành thuế im lặng, nhưng thiếu thì bị ngành thuế phạt đứng phạt ngồi mặc dù tiền dự án nhà nước vẫn nợ doanh nghiệp. “Khi doanh nghiêp trúng thầu dự án khác nhà nước ứng vốn thì ngành thuế thu khiến doanh nghiệp khó khăn” - ông Thọ thẳng thắn.
Liên quan đến quản lý giá vật liệu, ông Nguyễn Văn Hoàn - Công ty TNHH Hà Thu cho rằng, theo công bố giá hàng tháng liên ngành, giá bán cát đã bao gồm các loại thuế phí, tuy nhiên doanh nghiệp không mua được giá quy định phải mua với giá cao ngất ngưởng chưa bao gồm thuế phí. “Ví dụ một khối cát đầy đủ thuế phí 150 nghìn, doanh nghiệp mua phải cộng thêm 60 nghìn nũa là 210 nghìn” - ông Hoàn khẳng định.
Theo ông Hoàn, nếu để thả nổi như vậy nếu không lấy hoá đơn VAT thì nhà nước thất thu còn nếu lấy hoá đơn VAT thì người mua phải chịu. Đây là tồn tại phổ biến diễn ra khá lâu.
Với mục tiêu giải quyết, không giải thích, những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp tại Hội nghị đã được Lãnh đạo tỉnh cùng các Sở ban ngành liên quan giải quyết dứt điểm.
Để tiếp tục đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, ông Trần Văn Sơn - Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Điện Biên nhìn nhận, tỉnh không chỉ nói đồng hành cùng doanh nghiệp mà còn tạo mọi điều kiện bằng hành động giúp doanh nghiệp phát triển. Ngoài ra, tỉnh còn nỗ lực phát triển hạ tầng như, mạng lưới điện, hàng không, đường bộ cho doanh nghiệp nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội khai thác tiềm năng của tỉnh cũng như kết nối hạ tầng giao thông với các tỉnh thành lân cận… giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần liên kết phát triển tiêu thụ hàng hoá… “Với tinh thần năm 2018 tiếp tục là năm đồng hành chính phủ kiến tạo phục vụ doanh nghiệp người dân. Tỉnh cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao năng lực công vụ, phục vụ trả lời rõ cụ thể tối đa cho doanh nghiệp” - Bí thư Sơn nói.
Cũng theo Bí thư Sơn, tỉnh cũng tiếp tục rà soát cơ chế chính sách những lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo hướng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư những lĩnh vực ngành nghề pháp luật không cấm…
Bên cạnh đó, đổi mới công tác truyền thông quảng bá hình ảnh của tỉnh, tăng cường xúc tiến đầu tư tại tỉnh. “Nhiều tỉnh xúc tiến đầu tư nước ngoài như Nhật Bản. Hiện Điện Biên còn làm chưa tốt. Thái nguyên 13 năm về trước đã làm. Đôi khi chúng ta chưa thông. Tôi cho rằng tư tưởng quan trọng” - Bí thư Sơn bộc bạch.
Mặt khác, đối với các doanh nghiệp nhà đầu tư, Bí thư Sơn cũng đề nghị, doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn, đổi mới nâng cao trình độ năng lực quản lý năng lực đầu tư sản xuất kinh doanh.
“Chỉ nhìn qua chất lượng ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho tỉnh cho thấy doanh nghiệp còn chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, nhiều con đường chưa làm song đã hỏng” - Bí thư Sơn cho biết. Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh thương hiệu, chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh trên địa bàn tỉnh tầm nhìn năm 2030. Nhưng nhà đầu tư được tỉnh cho phép tích cực triển khai dự án đảm bảo tiến độ, tránh lầm thời gian sau đó chậm tiến độ phải thu hồi. Điều này cực chẳng đã tỉnh phải làm. Các doanh nghiệp nhà đầu tư luôn đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau, cạnh tranh bình đẳng, cam kết tiến độ các dự án, môi trôi trường. Đảm bảo các nhà đầu tư đã đầu tư tại tỉnh là có hiệu quả…
Cùng quan điểm trên, ông Mùa A Sơn – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, năm 2018, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của TƯ, các chương trình, kế hoạch hành động của tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI năm 2018, tập trung khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, nhà đầu tư như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch và chi phí không chính thức... Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức về tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp.
“Thực hiện đầy đủ, nhất quán quy định của pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp” - Chủ tịch Sơn khẳng định.
Ngoài ra, tỉnh tập trung rà soát các TTHC trên các lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể, thành lập doanh nghiệp, cấp chủ trương đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cấp phép xây dựng, thẩm định dự án…Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch; đảm bảo công bằng đối với các thành phần kinh tế kinh doanh trên địa bàn.
“Ngoài định kỳ 2 lần/năm, các cấp, các ngành cần tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng nhiều hình thức để kịp thời ghi nhận và giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư” - Chủ tịch Sơn chia sẻ.
Ghi nhận những thành tích doanh nghiệp doanh nhân đã đạt được trong năm 2017, tại Hội nghị UBND tỉnh đã quyết định khen thưởng cho 25 doanh nghiệp hợp tác xã nhà đầu tư.