Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Cô giáo vùng cao và những bữa ăn miễn phí cho học sinh nghèo

Diendandoanhnghiep.vn 6 năm qua, hàng chục học sinh nghèo đã được cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) tiếp thêm nghị lực để theo đuổi con chữ.

Sinh ra và lớn lên tại xã nghèo vùng cao Thạch Bình, có đông đồng bào dân tộc, sớm tiếp xúc và thấu hiểu những vất vả, khó khăn của những gia đình nghèo vùng cao không có điều kiện cho con em đi học nên cô Nguyên có ước mơ theo nghề "gõ đầu trẻ" để mang con chữ đến với học sinh nghèo. Năm 1990, cô Nguyên tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình sau đó về công tác tại trường Tiểu học Thạch Bình. Từ đó đến nay, 30 năm cô gắn bó với học sinh tại các điểm trường lẻ xã Thạch Bình.

Do đặc thù xã có địa hình đồi núi, nhiều nơi xa trung tâm xã đến hơn chục cây số nên để thuận tiện cho học sinh, trường Tiểu học Thạch Bình mở 3 điểm trường lẻ. Các em nhà xa trung tâm xã có thể học ở điểm lẻ từ lớp 1 đến lớp 3, lên lớp 4 phải về trường trung tâm xã theo học. Hiện nay, cô Nguyên đang là giáo viên điểm lẻ xóm Quảng Mào, trường Tiểu học Thạch Bình. Xóm Quảng Mào cách trung tâm xã gần chục cây số, đa phần học sinh ở đây đều là người dân tộc, thuộc hộ khó khăn. Vì thế, khi lên lớp 4 phải học tại trường trung tâm xã cả ngày nên nhiều em không có chỗ nghỉ trưa và phải gói cơm mang theo.

Các em học sinh được cô Nguyên chăm chút nấu ăn phục vụ cho từng bữa cơm trưa và dạy cách sống để các em nên người.

Các em học sinh được cô Nguyên chăm chút nấu ăn phục vụ cho từng bữa cơm trưa và dạy cách sống để các em nên người.

Thấu hiểu được sự khó khăn của những học sinh nghèo phải đi học xa nhà, cơm nắm do bố mẹ chuẩn bị chỉ có cơm và rau nên từ năm 2014, cô Nguyên đã bàn bạc với chồng tự bỏ tiền túi nấu ăn phục vụ cơm trưa miễn phí cho hàng chục em học sinh.

Thạch Bình là xã có diện tích lớn thứ 7 của tỉnh Ninh Bình, với trên 50% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Nơi đây có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong số 5 xã thuộc chương trình 135 của huyện miền núi Nho Quan, đặc biệt là các thôn như: Đầm Rừng, Bãi Lóng, Quảng Mào..., không chỉ xa trung tâm xã hàng chục km, mà còn có đến gần 100% người dân là dân tộc Mường.

“Hình ảnh tác động mạnh và gây xúc động cho tôi đến tận hôm nay, là cách đây khoảng 6 năm, tôi thường bắt gặp hình ảnh một số học sinh khá nhỏ bé so với lứa tuổi. Các em ngồi tại gốc cây bàng dưới cái nắng gắt gao của buổi trưa mùa hè, một tay cầm nắm cơm trắng gói trong túi bóng, một tay cấu từng miếng cho vào miệng. Bữa trưa của các em ấy chỉ có vậy, cơm không với vài hạt muối, vừa nguội ngắt vừa thiếu chất. Hình ảnh đáng thương, tội nghiệp ấy đã thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó giúp các em học sinh nhà nghèo, ở xa có được bữa trưa no, đủ chất, đảm bảo sức khỏe, tình yêu thương để theo đuổi “cái chữ”...” – Cô giáo Hạnh Nguyên luôn nghẹn ngào khi nói về kỷ niệm này và khi cô nêu suy nghĩ về việc nấu cơm trưa miễn phí cho các em học sinh thì không ngờ được chồng và các con hoàn toàn ủng hộ.

Bữa ăn của học sinh nghèo tại gia đình cô Hạnh Nguyên.

Bữa ăn của học sinh nghèo tại gia đình cô Hạnh Nguyên.

Vậy là hơn 6 năm nay, được sự chung tay, ủng hộ của chồng, vốn là một người lính đã nghỉ công tác về địa phương, được anh đồng tình dành phần lương hưu của mình cho việc mua gạo, thức ăn và phụ giúp nấu bữa trưa miễn phí cho trên dưới 30 học sinh nghèo, ở xa của trường Tiểu học và THCS trên địa bàn xã Thạch Bình.

Một ngày mới của cô Hạnh Nguyên bắt đầu từ lúc hơn 4 giờ sáng bằng việc lo việc nhà, chuẩn bị sẵn các loại thực phẩm cho bữa ăn trưa của các em học sinh, rồi mới đến trường. Kết thúc giờ dạy, cô lại tất tả về nhà, vội vàng nấu thức ăn trưa cho học trò (riêng nồi cơm điện công nghiệp cho mấy chục miệng ăn đã được cô cẩn thận cắm từ sáng). Thực phẩm luôn được cô chuẩn bị trước, như đánh đụng cả đùi lợn, mua vài cân cá, trăm quả trứng..., chất đầy trong tủ lạnh để chủ động việc chế biến.

Vài năm đầu thì có 4-5 học sinh, nhưng từ năm thứ 3 trở đi, luôn có từ gần đến trên 20 học sinh và đến năm học này thì có đến trên dưới 40 học sinh của hai trường học trên địa bàn đăng ký được cô Hạnh Nguyên nấu cơm cho ăn. Cô giáo Hạnh Nguyên cũng cho biết, như một gia đình, lúc nào có tiền “rủng rỉnh” thì các con được ăn nhiều món, còn những khi ít tiền, thì chỉ cơm, canh và món ăn mặn, vậy mà lúc nào chúng cũng khen ngon và ăn thì “như tằm ăn rỗi”...

Việc làm của cô giáo Hạnh Nguyên đã được lan tỏa, nhận được sự ủng hộ, động viên của nhiều người, như có mạnh thường quân tài trợ mỗi năm 4 tạ gạo và nhiều tổ chức, cá nhân thông qua cô để trao tặng sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, bánh kẹo... cho các em học sinh nghèo, nhưng tuyệt nhiên cô không bao giờ nhận tiền mặt.

Em Bùi Văn Minh, học sinh lớp 7B, trường THCS Thạch Bình, đã có 3 năm được ăn cơm trưa miễn phí tại nhà cô giáo Hạnh Nguyên chia sẻ: Nhà cháu cách trường học gần chục km, buổi sáng cháu phải đạp xe đi học từ lúc 5h30, đi qua quãng đường đồi núi rất vất vả, buổi trưa nếu phải đạp xe về nhà ăn cơm xong đi học chiều thì không kịp giờ và rất là mệt. Rất may mấy năm nay, cháu được cô giáo Hạnh Nguyên cho ăn cơm trưa miễn phí, được nghỉ ngơi tại nhà cô nên vừa đảm bảo sức khỏe, vừa vui vẻ, ấm cúng như một gia đình.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ: Cô giáo vùng cao và những bữa ăn miễn phí cho học sinh nghèo tại chuyên mục Người tốt - việc tốt của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711644031 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711644031 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10