Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định đã khẳng định như vậy tại Tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF), diễn ra sáng 5/12.
Hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế
Theo Nguyễn Chí Dũng, thành quả quan trọng nhất của 30 năm “Đổi mới” là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Theo đó, đến hết năm 2017, quy mô dân số đạt khoảng 94 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 224 tỷ USD, xếp thứ 45 (Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) thì quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt 647 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD, xếp thứ 134.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81% và dự kiến năm 2018 có thể đạt cao hơn; chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 116/189 quốc gia; hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập (GINI) ở mức tích cực, 0,43 điểm.
Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ ba năm 2016 lên vị trí thứ nhất.
Đặc biệt, các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Năm 2017, năng lực cạnh tranh xếp hạng 55/137, tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc; đổi mới sáng tạo xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc.
Có thể bạn quan tâm
08:23, 23/03/2018
15:12, 16/04/2016
Công bố Khung chính sách phát triển Việt Nam
Tại Diễn đàn VRDF, Bộ KH&ĐT đã công bố tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam. Đây là sáng kiến của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhằm xây dựng một tài liệu tham khảo ngắn gọn về Khung chính sách phát triển kinh tế Việt Nam, dựa trên cơ sở các Văn kiện của Đảng (Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và các Nghị quyết Trung ương.
Tài liệu nhằm giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan và công chúng một cách khái quát, ngắn gọn những thông tin quan trọng, thiết thực về tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới, đưa ra thông điệp rõ ràng về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, huy động các nguồn lực cho phát triển.
Khung chính sách kinh tế Việt Nam là tài liệu liệu tổng hợp nhằm giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi "Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào?".
Theo ấn phẩm này, mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2035, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, với GDP bình quân 10.000 USD. Trên một nửa dân số Việt Nam tham gia tầng lớp trung lưu toàn cầu. Các trọng tâm cải cách bao gồm hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả. Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội.
Các động lực tăng trưởng được xác định là bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo; khu vực tư nhân phát triển…
Bộ KH&ĐT cho biết, việc xây dựng tài liệu Khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được triển khai từ cuối năm 2017 và nhận được nhiều góp ý quý giá của các bộ/ngành, các cơ quan liên quan, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, đặc biệt là Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; cũng như sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam và Đại sứ quán Úc.