Bộ Công thương cho biết đang nghiên cứu thêm phương án cho phép khách hàng được lựa chọn cách tính điện một giá bên cạnh cách tính theo biểu giá lũy tiến.
Thực ra vấn đề điện một giá không phải là câu chuyện bây giờ mới được nói đến như một phương án lựa chọn. Bởi đã từng có nhiều ý kiến đưa ra cho rằng phương án biểu giá 1 giá dễ sử dụng, dễ áp dụng hơn và nên áp dụng.
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá cho biết trên thế giới, có nhiều nước trên thế giới tính đồng giá điện, ví dụ như Singapore. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều nước có biểu giá thông thường từ 3 đến 7 bậc như Hàn Quốc 6 bậc, Hồng Kong 7 bậc, Malaysia 5 bậc, Indonesia 5 bậc, Nhật Bản 3 bậc.
Hay như chia sẻ của GS.VS.TS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, về giá một bậc hay giá thống nhất cho mọi mức độ riêng biệt, thực ra đó là tương lai mà Việt Nam sẽ tiến đến. Bởi theo kế hoạch Cục Điều tiết điện lực có đề xuất với Chính phủ, đến năm 2023 và 2025, thị trường bán lẻ điện phải hoàn tất. Chính vì vậy, sẽ không còn câu chuyện giá bậc thang mà phải là giá thống nhất. Khoảng 5 năm nữa, chúng ta tiến đến hoàn tất thị trường bán lẻ điện, trên con đường này, số bậc thang chúng ta đang cố gắng giảm dần, trước đây là 7 bậc, xuống 6 và bây giờ xuống còn 5 bậc.
Trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thì lại cho rằng, phương án tính điện bậc thang ở Việt Nam không lỗi thời nhưng bước thang từ 1-3 hơi ngắn. Điều quan trọng là phải nới rộng các biên độ giữa các bậc, đặc biệt là từ bậc 1 tới bậc 3 thì người dân có khả năng sử dụng nhiều hơn nhất là trong những thời điểm nắng nóng như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, GS.TSKH Trần Đình Long cho rằng, trong thời điểm hiện nay để tránh tình trạng hoá đơn tiền điện tăng sốc trong thời điểm nắng nóng thì biểu giá điện sinh hoạt mới cần xem xét mức giá phù hợp. Đối với các bậc mà đa số khách hàng dùng điện rơi vào thì không để giá thấp hơn nhưng cũng không nên để quá cao so với mức giá bán lẻ bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh.
Chia sẻ với phóng viên trước thông tin Bộ Công thương xây dựng thêm phương án tính điện một giá, anh Lê Hoài Nam – Tổ 3, Đông Tác, Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết “nhà anh mỗi tháng tiền điện hết khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng. Nhà đi làm cả ngày chỉ có bà trông cháu ở nhà và sử dụng quạt là chính, nắng nóng thì dùng điều hoà. Anh cho rằng thêm sự lựa chọn cho người dân cũng tốt, như nhà anh thì sẽ xem xét các mức giá điện bậc thang tới đây để lựa chọn sử dụng”.
Chị Hoàng Vân (Kim Giang, Hoàng Mai) cho rằng nên sử dụng điện một giá, chị cho biết “nhà điện cứ đưa ra bậc nọ bậc kia khiến người dân hay như các cụ ở nhà đóng tiền điện cũng không nhớ và nắm được bậc 1 là giá bao nhiêu, bậc 3 thì giá bao nhiêu…Thử hỏi có mấy ai nhớ được bậc 5 thì giá bao nhiêu nên tốt nhất là tính đồng giá hết, người dùng nhiều thì tiền cao, nhà ít dùng thì tính ít”.
Lại có ý kiến cho rằng phương án giá điện nên tính theo gói như “kiểu trả tiền mạng internet” có nghĩa là dùng gói bao nhiêu trả bấy nhiêu. Tuy nhiên, để mà thoả mãn được hết các gói cho triệu dân thì cũng là bài toán nan giải cho các cơ quan quản lý.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin trước đó, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu phương án cho phép khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện, hoặc một giá hoặc theo biểu giá bán lẻ điện bậc thang sửa đổi (sẽ rút gọn từ 6 còn 5 bậc).
Bởi trên thực tế, giá điện bậc thang với 6 bậc như hiện hành đang tác động lớn đến tiêu dùng điện, đặc biệt là trong mấy tháng nắng nóng. Nhiều hộ khách hàng phản ảnh tiền điện tăng nhanh hơn so với tăng số điện, nguyên nhân do nắng nóng nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, tiêu hao năng lượng lớn hơn để làm mát tăng lên.
Với phương án tính điện một giá, dù khách hàng sử dụng bao nhiêu điện cũng đều được tính theo một đơn giá thay vì cách lũy tiến bậc thang dùng càng nhiều trả đơn giá càng cao như hiện nay.
Cơ sở để xây dựng giá điện một giá, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, là dựa trên giá điện bình quân. Theo đó, không phải tất cả người tiêu dùng sử dụng phương án một giá, mà chỉ số ít người sử dụng nhiều điện sẽ lựa chọn phương án này. Tính bình quân cho toàn xã hội thì phương án một giá sẽ được xây dựng cao hơn giá điện bình quân.
Hiện giá điện bình quân 1.864,44 đồng/ kWh (chưa gồm thuế VAT). Theo đó, mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Diễn đàn doanh nghiệp sẽ có cuộc trao đổi với lãnh đạo Bộ Công thương trong bài viết tới.
Có thể bạn quan tâm
18:07, 08/07/2020
18:17, 12/06/2020
01:14, 10/06/2020
09:42, 06/06/2020
11:30, 08/05/2020