Dịu dàng sắc Ban

Lê Trang 17/03/2018 08:02

Lễ hội Hoa Ban của Điện Biên không chỉ khởi đầu một mùa vụ đơm hoa kết trái với những kỳ vọng tốt tươi no ấm mà còn là mùa của tình yêu, hy vọng và kỳ vọng. Bởi, nơi đây là xứ sở của Hoa Ban, là cái nôi của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, giàu bản sắc văn hóa.

Điện Biên chọn tháng 3 hằng năm mở đầu cho Lễ hội Hoa Ban vì đây là thời điểm Hoa Ban nở trắng rừng Tây Bắc và gắn với sự kiện mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (13/3/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

p/Lễ hội hoa Ban năm 2018 sẽ chính thức khai mạc ngày 17/3-19/3/2018 tại thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên. Lễ hội hoa ban năm 2018 kéo dài đến hết tháng 5 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc hứa hẹn thu hút du khách trong nước và quốc tế

Lễ hội hoa Ban năm 2018 sẽ chính thức khai mạc ngày 17/3-19/3/2018 tại thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên. Lễ hội hoa ban năm 2018 kéo dài đến hết tháng 5 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc hứa hẹn thu hút du khách trong nước và quốc tế

Phát huy giá trị văn hoá truyền thống

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Việc thường xuyên đổi mới nội dung chương trình trong Lễ hội Hoa Ban hằng năm là một yêu cầu tất yếu nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân và du khách thập phương. Lễ hội Hoa Ban năm nay diễn ra trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2018, các hoạt động chính diễn ra từ ngày 17/3-19/3/2018 với nhiều điểm mới.
Một là cuộc thi "Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên" được tổ chức vào ngày 18/3. Chương trình quy tụ các diễn viên, nghệ nhân không chuyên đến từ các huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành, lực lượng trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng thông qua trang phục truyền thống 19 dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng và trang phục truyền thống trong 54 dân tộc Việt Nam nói chung. Qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tỉnh Điện Biên, góp phần xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

  Lễ hội hoa ban năm 2018 là hoạt động thường niên của tỉnh Điện Biên, khai mạc tại thành phố Điện Biên Phủ vào thời điểm trung tuần tháng 3 hằng năm gắn với sự kiện mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (13/3/1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hai là tăng cường các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong Lễ hội như tổ chức thi đấu môn Bóng đá Mini; tổ chức nội dung đội nữ môn Xe đạp thồ, nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách và một số trò chơi khác.
Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, thị xã cũng tổ chức các hoạt động để khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm như Lễ hội Thành bản phủ, Lễ hội phật giáo mùa Hoa Ban...

Một trong các mục tiêu quan trọng của Lễ hội Hoa Ban là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội; xây dựng Lễ hội Hoa Ban trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Lễ hội đã chứa đựng một cách sâu sắc, tập trung những đặc trưng về lịch sử, văn hóa, bản sắc của cộng đồng cư dân bản địa. Các hoạt động chính phần lớn đều mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Điện Biên - Tây Bắc. Qua mỗi mùa Lễ hội, tỉnh Điện Biên sẽ lựa chọn để giới thiệu những nét độc đáo của các dân tộc trong tỉnh như Thái, Mông, Khơ Mú, Hà Nhì… Điều đó không chỉ được thể hiện sâu đậm trong nội dung hoạt động mà còn gắn với tất cả các hoạt động phụ trợ như công tác tuyên truyền, trang trí khánh tiết.

Vì vậy, lễ hội có ý nghĩa quan trọng bảo tồn, phát huy và phát triển các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu; biến các giá trị di sản thành tài nguyên du lịch, thành nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội.
“Bên cạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, Lễ hội Hoa Ban còn là dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, trực tiếp phục vụ nhân dân và du khách, qua đó góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc, thiết thực cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người của Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên trong giai đoạn hiện nay.”- ông Phạm Việt Dũng chia sẻ.

Khai thác tiềm năng du lịch

Theo dự báo lượng khách du lịch đến Điện Biên dịp lễ hội Hoa Ban năm 2018 tăng hơn so với năm 2017 khoảng trên 20% cả về khách quốc tế và khách trong nước. Như vậy ước tính Lễ hội Hoa Ban năm 2018 đón khoảng 85.000 lượt khách trong đó có trên 4.000 lượt khách du lịch quốc tế.

Tính từ năm 2014, năm đầu tiên tổ chức Lễ hội hoa Ban đến năm 2017, lượng khách đến Điện Biên trong dịp Lễ hội Hoa Ban đã tăng từ 20 - 25% mỗi năm, riêng năm 2017 lượng khách đến Điện Biên tăng 25%, tổng thu từ hoạt động du lịch tăng 34%. Cùng với sự tăng trưởng về lượng khách và thu nhập, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch như các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… không ngừng phát triển. Việc tổ chức Lễ hội Hoa Ban đã góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo ông Phạm Việt Dũng: Trong những năm qua, công tác xây dựng quy hoạch, ban hành các chương trình, đề án phát triển du lịch được chú trọng triển khai thực hiện. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Các khu, điểm di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo; các thiết chế văn hóa, cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư và đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn quan trọng để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch, góp phần nâng cao tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch chưa đồng bộ nên chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng du lịch của tỉnh; lượng khách đến Điện Biên đã có sự gia tăng qua từng năm nhưng chưa cao, thời gian lưu trú ngắn; các cơ sở lưu trú, hệ thống nhà hàng, khách sạn chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, nhất là vào những mùa cao điểm hoặc khi tổ chức những sự kiện lớn. Việc tổ chức hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, sự liên kết và tính chuyên nghiệp chưa cao; các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn ít về số lượng, hạn chế về năng lực hoạt động, chưa thu hút được các doanh nghiệp lữ hành lớn đặt chi nhánh, văn phòng đại diện tại Điện Biên; cơ chế thu hút đầu tư phát triển du lịch chưa thỏa đáng, chưa có nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch; các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch chưa đa dạng; công tác truyền thông, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được chú trọng, thiếu tính chuyên nghiệp.

Bởi vậy, iệc tổ chức Lễ hội Hoa Ban hàng năm ngoài việc góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc còn nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế hình ảnh Hoa Ban - loài hoa đặc trưng của Tây Bắc, Điện Biên; giới thiệu về mảnh đất Điện Biên phủ anh hùng, con người Điện Biên thân thiện, mến khách, giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc, qua đó đã thúc đẩy ngành du lịch tỉnh Điện Biên phát triển.

“Chủ trương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên là trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục và quyết tâm trồng, chăm sóc, bảo vệ, mở rộng diện tích cây Hoa Ban và đổi mới nội dung, hình thức tổ chức để Lễ hội Hoa Ban Điện Biên là điểm đến trong hành trình của du khách khi đến với Tây Bắc.”- ông Phạm Việt Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dịu dàng sắc Ban
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO