Đồ nhựa dùng một lần - “tiện” mà không “lợi”

Diendandoanhnghiep.vn Mối nguy hại từ rác thải nhựa ảnh hưởng tới môi trường của biển, ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của chính chúng ta và con cháu chúng ta.

>> Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương: SOS

Tàu cao tốc băng băng vượt sóng đưa tôi ra với hòn đảo Cô Tô xinh đẹp. Vệt nước trắng xóa tung bọt chạy dài sau thân tàu như vẽ lên đuôi con rồng trắng trên mặt nước xanh thăm thẳm.

Xa xa, đảo hiện ra mờ mờ xanh sâm sẫm giữa bao la non nước mây trời. Lên đảo tôi mượn luôn chiếc xe máy cà tàng lượn lờ tự đi khám phá ngóc ngách trên đảo.

Luồn lách ở những cung đường mà chỉ xe máy đi được, lang thang ra tận chỗ đê chắn sóng với âu tàu thấy chiếc thuyền câu mực dập dềnh tôi bỏ xe máy nhảy lại gần xem.

Thật thích thú khi thấy rõ cảnh con mực mai rõ to được lôi từ biển lên, nhưng lập tức tôi thấy choáng váng đến hoảng hốt khi nhìn xuống chân của bờ kè đê chắn sóng, thấy khủng khiếp là rác, từng quẩng rác đóng váng lại, kết thành bè dầy đặc, dập dềnh theo sóng.

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. Ảnh minh họa. Nguồn: Moitruong.net.vn

Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. Ảnh minh họa. Nguồn: Moitruong.net.vn

Tầng tầng, lớp lớp là túi ni lông, vỏ chai, ống hút, vỏ cốc nhựa dùng một lần… Vài con tôm, cá nhỏ nằm chết khô trên lớp rác, teo tóp, cong queo đến thảm hại… Những thứ này từ đất liền theo dòng chảy trôi trên biển rồi dạt về đây.

Có nhìn tận mắt mới thấy sợ hãi sự ô nhiễm vì rác, mối nguy hại từ rác thải nhựa ảnh hưởng tới môi trường của biển, ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của chính chúng ta và con cháu như thế nào? Mặt biển vẫn bập bềnh trôi những vỏ chai nước ngọt, tấm bạt, tấm lưới, vỏ bao, ống hút… nhìn mà thấy bất lực đến đau lòng.

Người Việt Nam rất chăm lo cho tương lai của con cháu, họ sẵn sàng chịu đựng vất vả khó khăn để “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Nhưng họ vứt rác bừa bãi chính là việc vứt chất thải vào môi trường sống tương lai của thế hệ con cháu. Họ coi việc để lại tài sản riêng cho con cháu  quan trọng hơn để lại tài sản lớn là môi trường sống trong sạch cho toàn thể nhân loại. Sự lười biếng, vô trách nhiệm, cẩu thả khi đối xử với rác sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với sự sống của con cháu sau này.

>> Ý tưởng khởi nghiệp chung tay chống rác thải nhựa ở Việt Nam

>> Tìm giải pháp hạn chế rác thải nhựa

Không ai phủ nhận được sự tiện dụng của đồ nhựa dùng một lần, nhưng lợi thì không. Cái ống hút bằng nhựa cứng trôi dạt ra đến đảo xa mà vẫn không bị phân hủy. Mà theo người dân ở đây, đó là phần nhỏ nổi trên mặt nước, chứ ở đáy biển thì còn khủng khiếp hơn.

Mẹ đại dương - cái nôi sự sống của nhân loại đang bị rác thải bức tử từ sự tùy tiện của con người. Bao nhiêu loài thủy hải sản bị cạnh tranh nguồn sống, bị chết oan ức do nuốt phải rác thải nhựa. Việt Nam có quốc gia bán đảo có hơn ba ngàn km bờ biển và buồn thay theo số liệu thống kê thì Việt Nam là một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn góp phần nhiều vào con số 3.1 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Nguồn ảnh: Báo Thiên nhiên

Nguồn ảnh: Báo Thiên nhiên

Không phải bây giờ mới tuyên truyền vận động nhưng nói thật trông mong vào ý thức của người dân thì không khác gì lập đàn cầu mưa trên sa mạc. Khuất mắt trông coi không thấy hậu quả nhãn tiền, nên khó mà chuyển biến ý thức bảo vệ môi trường của một số bộ phận người dân.

Cách làm hợp lý chỉ có tìm phương pháp thay thế dùng vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu có nguồn gốc tự nhiên dễ phân hủy, qua đó loại bỏ ống hút, chai, lọ, hộp xốp để cứu lấy môi trường.

Việt Nam không thiếu lá chuối, lá dong, lá sen thậm chí mo cau… nếu có sự đầu tư kết hợp công nghệ hợp lý sẽ thành vật dụng đóng gói thay thế túi ni lông. Ống nứa, ống tre được người dân tộc thiểu số dùng bao nhiêu năm nay tiện dụng đâu kém chai, cốc nhựa…

Hãy cấm sản xuất tiêu thụ ống hút, cốc nhựa, chai nhựa dùng một lần… Đánh thuế thật cao trong trường hợp bất khả kháng. Chỉ có biện pháp đánh thẳng vào kinh tế mới có thể hạn chế được rác thải nhựa, cứu được môi trường.

Đồ nhựa dùng một lần rõ ràng tiện thì có tiện nhưng lợi thì không lợi. Chương trình, nội dung kiến thức này phải đưa vào trong giáo dục phổ thông các cấp để lớp trẻ ý thức được tác hại. Phải mở các chiến dịch tẩy chay đồ nhựa dùng một lần, làm sao phải để người sử dụng đồ nhựa một lần bị người khác nhìn như người đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, như cô gái xinh đẹp lên đồ đi bar mà không trang điểm.

Thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa một lần không khó, nếu như người dùng coi mỗi lần chọc ống hút là một lần chọc vào vết thương của biển, mỗi lần vung tay ném chai là ném chất độc vào nhà của con mình.

Ngành môi trường ở đâu, người bảo vệ môi trường ở đâu? Hãy đưa các giải pháp hành động quyết liệt trình lên cấp có thẩm quyền ra quyết định bảo vệ ngôi nhà chung cho con cháu mai sau. Không có dinh thự, biệt phủ nào dù to lớn đến đâu có thể chống lại được biến đổi khí hậu, mất cân bằng hệ sinh thái.

Không giữ được ngôi nhà chung thì ngôi nhà riêng liệu có thể yên bình?

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đồ nhựa dùng một lần - “tiện” mà không “lợi” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713492584 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713492584 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10