Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị bãi bỏ 6 quỹ tài chính

Nguyễn Việt 13/08/2019 17:03

Chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018.

Theo Đoàn giám sát, hiện một số Quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, nhiều Quỹ được thành lập có chức năng, nhiệm vụ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách; một số Quỹ trong quá trình thực hiện các chức năng nhiệm vụ không mang lại hiệu quả kỳ vọng hoặc rất khó đánh giá hiệu quả một cách tích cực, không đạt được mục tiêu hoặc phải thay đổi mục tiêu, hoặc chỉ thực hiện được một số nhiệm vụ đặt ra theo quy định. Thậm chí theo Đoàn giám sát, có quá nhiều Quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế.

Nhiều Quỹ phát sinh chi phí quản lý

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội Đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với 6 quỹ. Cụ thể, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ Phòng chống chống thiên tai.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Lao động sửa đổi: VCCI và 6 Hiệp hội khẩn thiết gửi kiến nghị tới Quốc hội và Chính phủ

    16:38, 13/08/2019

  • Truyền thông là “cầu nối” giữa người dân với Quốc hội

    16:32, 08/08/2019

  • Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn thuộc Bộ Tài chính

    16:42, 12/08/2019

  • Bổ sung dự toán ngân sách vốn ngoài nước cho Hà Tĩnh và Quảng Bình

    12:04, 12/08/2019

Đoàn giám sát còn đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá; Quỹ bình ổn giá xăng dầu; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Lý do của các đề nghị trên đều được thuyết minh chi tiết tại báo cáo của đoàn giám sát. Song, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng vẫn tỏ ra rất ngạc nhiên vì các quỹ được đề nghị bãi bỏ đều có tên tuổi, có tác động lớn đến đời sống.

Theo báo cáo, hiện nay cả nước đã thành lập trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính ngoài ngân sách và nhiều quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập ở các địa phương. Các quỹ tài chính ngoài ngân sách rất đa dạng và hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, được quản lý bởi nhiều bộ, ngành và được thành lập ở các địa phương với quy mô, mức độ khác nhau.

“Cần cân nhắc thật kỹ lưỡng, quỹ phòng chống thiên tai khi Quốc hội thảo luận thì ít ai phản đối, quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cũng được thảo luận rất kỹ... nếu quỹ vô thưởng vô phạt thì giải thể ngay, còn quỹ có uy tín thì cần cân nhắc”, ông Dũng phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, không phải Uỷ ban Thường vụ ban hành nghị quyết là bỏ ngay các quỹ như đoàn giám sát đề nghị mà đề nghị Chính phủ xem xét đánh giá lại, nếu đúng như kết quả giám sát thì phải sắp xếp lại ngay.

Sáp nhập các Quỹ trùng lặp về mục tiêu

Đoàn giám sát cũng đề nghị thực hiện việc sáp nhập đối với các Quỹ trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức hoạt động. Với Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Đoàn giám sát đề nghị thực hiện rà soát, sửa đổi các văn bản liên quan đến Quỹ theo hướng chuyển vào cân đối NSNN đối với các nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN; đồng thời, rà soát nguồn thu, nhiệm vụ chi cho vay, hỗ trợ lãi suất, ủy thác các chương trình, dự án bảo vệ môi trường, đế có giải pháp để đảm bảo nguồn lực, nâng cao tính độc lập và hiệu quả hoạt động của Quỹ.

Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Đoàn giám sát đề nghị thực hiện rà soát chuyển nguồn thu tiền trồng rừng thay thế và nhiệm vụ chi trồng rừng thay thế vào trong cân đối NSNN; loại bỏ các nhiệm vụ chi của Quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi của NSNN, đảm bảo các nhiệm vụ chi do Quỹ thực hiện là độc lập với NSNN.

Đối với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Đoàn giám sát đề nghị cần tiến hành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến thành lập, hoạt động và quản lý của hai Quỹ này để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật NSNN, xác định rõ mô hình tổ chức của Quỹ và cơ quan quản lý Quỹ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị bãi bỏ 6 quỹ tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO