Giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh do đó, các doanh nghiệp cũng cần phải “chạy ECMO”.
Đó là những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại VIETNAM CEO FORUM do Hội Doanh Nhân Trẻ TP.HCM (YBA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC) tổ chức.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Rynan Technologies, khó khăn lớn với doanh nghiệp giai đoạn vừa qua là cách chống dịch của cơ quan ban ngành địa phương chưa phù hợp với doanh nghiệp. Việt Nam đã chủ quan khi chiến thắng COVID-19 trong các lần chống dịch trước, và việc mỗi nơi chống dịch một kiểu là nguyên nhân chủ quan dẫn đến tâm lý hoang mang trong dân.
“Chúng ta cũng không thể áp đặt “zero Covid” cho tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp cần phải kiên trì để theo dõi tình hình và sự thay đổi của chính sách để có thể bám sát quy trình, duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Holdings cũng cho rằng doanh nghiệp nên kiên nhẫn trong giai đoạn “nóng” hiện tại. Đồng thời, ông Kỳ nhận định, đợt dịch COVID-19 thứ 4 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp khiến các doanh nghiệp vận tải hàng không vốn đã khó khăn thì nay lại rơi vào tình cảnh hết sức lao đao. Hàng loạt chuyến bay bị cắt giảm, máy bay "đắp chiếu", hành khách vắng bóng, cảng hàng không ngưng trệ, các hãng hàng không liên tiếp thông báo lỗ... cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới hoạt động của ngành du lịch.
“Hiện tại chỉ còn 10% trên tổng số các doanh nghiệp du lịch lữ hành còn mở cửa trên địa bàn TP.HCM. Chủ yếu để phục vụ công tác chống dịch như chở người dân hồi hương hoặc đi cách ly. Còn lại hầu như đóng cửa hết”, ông Kỳ cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, định hướng thị trường khai thác của Vietravel Airlines là các đường bay du lịch kết nối địa phương - địa phương thông qua 2 trung tâm Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Dịch COVID-19 đã "đâm thủng" trái tim của ngành du lịch, hàng không, nên ra đời hãng bay trong thời gian này là một thử thách khó khăn về thị trường. Nhưng đổi lại, cũng có những thuận lợi. Ví dụ, tất cả chi phí đầu vào như thuê máy bay, phi công đều giảm rất mạnh so với giai đoạn trước dịch.
Còn theo ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Coop, ngành bán lẻ thường bị nhầm là không thể chết dù có rủi ro, nhưng trên thực tế, thương mại hiện đại chỉ đóng 1/4 thị phần. Khi hình thức mua bán truyền thống bị ảnh hưởng thì thương mại hiện đại lúc này sẽ gồng gánh.
Quan trọng hơn, hệ thống bán lẻ này có hơn 18.000 cán bộ, nhân viên không bị mất việc và lương không hề bị giảm. Trong dịch, Saigon Coop có 1300 là F0, những người này đều được hưởng những chế độ chính sách cho việc bị nhiễm bệnh. Việc này tạo ra sự thay đổi, mấu chốt là không khiến người lao động mất việc.
“Thực tế, trong thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ offline đến online đều quá tải nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các ngành hàng, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt,…”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Ông Đức cho rằng, ngành hàng Bán lẻ - Dịch vụ đang chạy đua với tốc độ “quá nhanh, quá nguy hiểm” vì Chỉ thị của chính quyền thay đổi hàng ngày nên đòi hỏi doanh nghiệp cần phải biết cách “lấy hơi”, điều đó ảnh hưởng đến “lá phổi” của mình. Các nhà bán lẻ phải tìm giải pháp để chan hòa, giữ nhịp thở thấp nhưng thở đều.
Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ, cuộc đua chống dịch cần có những chặng nghỉ ở giữa để lấy sức và tái cấu trúc doanh nghiệp. Chúng ta phải điều chỉnh tốc độ và có kế hoạch lâu dài hơn, không phản ứng theo thị trường, phải có kế hoạch đặc thù 5 năm, 10 năm có lộ trình điều chỉnh tốc độ. Doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư vào công cụ giám sát.
“Đối với các doanh nghiệp công nghệ, đây là cơ hội rất lớn. Chúng ta muốn thắng địch thì phải thấy được địch ở đâu. Đây cũng là thách thức thú vị cho những người làm khoa học, những người phát triển công nghệ mới”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ nhận định.
Đối với ngành hàng không, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ rằng: Nếu ví ngành du lịch - hàng không như một bệnh nhân của COVID-19, thì ngành này đang thực sự cần chạy ECMO. Khác với các doanh nghiệp tiêu dùng phải hoạt động hết công suất như Saigon Co.op, doanh nghiệp của ông Nguyễn Quốc Kỳ gần như bất động nhiều tháng nay do dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ nhận định, ngành hàng không nói riêng và du lịch nói chung hiện tại đang “đóng băng” và có thể sẽ không bao giờ phục hồi được như trước. Du lịch nghỉ dưỡng được dự báo sẽ khôi phục khi vắc xin có hiệu quả đưa vào sử dụng, tuy nhiên hành khách sẽ thận trọng hơn vì vẫn lo lây bệnh khác. Họ sẽ đánh giá mức độ an toàn trước khi quyết định du lịch trở lại.
"Trước đây ưu tiên là khuyến mãi, là doanh thu, là lợi nhuận, thì nay không còn là điều kiện hàng đầu nữa, mà là an toàn với trách nhiệm lớn nhất là doanh nghiệp và người làm du lịch. Để có thể trở lại, phải đánh giá và lên phương án rất kỹ những điều kiện an toàn phòng chống dịch, nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng.
Ngay với ngành hàng không, ông Kỳ cho rằng, bay trên một chuyến bay giãn cách với tối đa 50% sức chứa thì chắc chắn không hãng bay nào chịu, vì sẽ lỗ, càng bay càng lỗ. Nhưng không bay cũng không được, vì đó là sứ mệnh, đường hàng không là kênh vận chuyển huyết mạch. Phải phục hồi là tất yếu, nhưng trở lại thế nào vừa sức, vừa đảm bảo yêu cầu, là một bài toán khó". Ông Kỳ nhận định, phải đến tháng 6/2024 thì ngành hàng không mới quay trở lại được như giai đoạn 2018-2019, với điều kiện phải được nối lại các đường bay quốc tế.
Đồng tình với người sáng lập Vietravel, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn sau thời gian giãn cách là điều khó tránh khỏi, và Saigon Co.op cũng không ngoại lệ. Theo ông Đức, khi một lượng lớn khách hàng đổ dồn về cùng một lúc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, và đây là điều mà Saigon Co.op lo ngại hậu giãn cách.
"Chúng ta thường nói về nguy và cơ trong giai đoạn vừa qua, có thể mọi người nhìn vào sẽ nói thời gian qua Saigon Co.op bán được nhiều và thu hút được một lượng lớn khách hàng cho tương lai, đó là tín hiệu tích cực, chúng tôi cũng ghi nhận sự tích cực đó, nhưng nó dẫn đến một số rủi ro cho tương lai. Như tôi đã nói, thời gian qua Saigon Co.op phải chạy với cường độ quá cao khiến chúng tôi có những rủi ro về chất lượng sau giãn cách, đó là minh chứng cho thấy đôi khi số lượng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, ngay cả với ngành bán lẻ", ông Đức bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất giải pháp vừa thích ứng an toàn, vừa phục hồi sản xuất
04:50, 29/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất
06:10, 28/09/2021
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phục hồi sản xuất kinh doanh
03:00, 28/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cần cơ chế cho phục hồi sản xuất, giữ chân doanh nghiệp FDI
08:17, 26/09/2021
Chỉ 30 – 40% doanh nghiệp thủy sản có đủ năng lực để phục hồi sản xuất sau giãn cách
11:03, 19/09/2021
Chính sách tiền tệ tạo đà phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp
05:46, 27/07/2021