Trí tuệ nhân tạo và robot đã chiếm 13% khối lượng công việc của các công ty tại châu Á trong thời điểm hiện tại, so với chỉ 7% cách đây ba năm, theo khảo sát của Willis Towers Watson.
Theo một khảo sát của hãng tư vấn Willis Towers Watson, các công ty trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương có kế hoạch tự động hóa 23% khối lượng công việc của họ (tính trung bình) trong vòng ba năm tới và giảm bớt nhu cầu sử dụng nhân viên toàn thời gian.
Có 909 công ty trên khắp thế giới (507 công ty từ châu Á – Thái Bình Dương) đã tham gia cuộc khảo sát của Willis Towers Watson. Những công ty này hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất, tài chính, bán lẻ và các ngành quan trọng khác. Kết quả khảo sát cho thấy tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo và robot đã chiếm 13% khối lượng công việc của các công ty trong thời điểm hiện tại, so với chỉ 7% cách đây ba năm.
Riêng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 85% số công ty được khảo sát cho biết họ có kế hoạch mở rộng việc ứng dụng tự động hóa trong vòng ba năm tới. Do xu hướng tự động hóa, 48% chủ doanh nghiệp cho biết có lẽ họ cần ít nhân viên hơn trong ba năm tới đây. Trong khi đó, 20% chủ doanh nghiệp khẳng định rằng hiện nay họ đã có thể cắt giảm bớt nhu cầu nhân sự.
Tuy nhiên, theo các công ty này, thay vì để quá nhiều người phải mất việc, tự động hóa sẽ mang đến những thay đổi trong hợp đồng tuyển dụng. Có 52% các đơn vị trả lời khảo sát cho biết họ đang cân nhắc chuyện “mổ xẻ” những công việc trong quy trình để quyết định xem phần nào có thể tự động hóa. Và 58% doanh nghiệp cho rằng họ sẽ tận dụng nguồn lực bên ngoài như cộng tác viên hay đơn vị thầu lại.
“Các tổ chức không xem tự động hóa đơn thuần là việc thay người bằng máy móc mà là hỗ trợ và làm tăng năng suất của con người, từ đó tối ưu hóa hiệu quả sản xuất và kinh doanh”, Hamish Deery, người đứng đầu về quản lý tài năng của Willis Towers Watson tại châu Á – Thái Bình Dương nói với tờ Nikkei Asian Review.
Thật ra, công nghệ có thể góp phần “dân chủ hóa” trong lĩnh vực lao động tại khu vực châu Á vì với sự phổ biến của internet tốc độ cao, mọi người đều có thể làm việc từ bất cứ nơi nào. Hơn nữa, công nghệ cũng giúp cho các công ty châu Á tận dụng nền kinh tế tự do (gig economy) để tiếp cận những kỹ năng và tài năng mà họ cần.
Nhưng các doanh nghiệp trong khu vực và nhân viên của họ đã thực sự chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những công nghệ mới nhất và môi trường làm việc mới hay chưa?
Cũng theo kết quả khảo sát, chưa đến 5% các công ty của châu Á khẳng định là nhân sự của họ được chuẩn bị đầy đủ cho những nhu cầu đang thay đổi do xu hướng số hóa. Chỉ 51% các công ty cho biết họ đang có kế hoạch hoặc đang cân nhắc việc tái đào tạo kỹ năng cho nhân viên. Điều này cũng có nghĩa là nhiều nhân viên có thể bị giảm thu nhập trừ phi họ có được những kỹ năng mà nhiều công ty yêu cầu.
Tự động hóa có thể sẽ thay đổi cơ bản cấu trúc kinh tế của những quốc gia thu nhập trung bình và các nền kinh tế mới nổi đã và đang thu hút đầu tư nước ngoài bằng lao động giá rẻ. Những quốc gia này có thể mất lợi thế cạnh tranh khi mà tự động hóa bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong những sáng kiến cắt giảm chi phí của các công ty.
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan cảnh báo rằng việc làm đang biến mất không phải vì cạnh tranh toàn cầu mà là “thông qua công nghệ” và sự phổ biến của công nghệ tự động hóa có thể tạo nên tình trạng bất bình đẳng trên thế giới.
“Tôi không nghĩ là chúng ta đã sẵn sàng cho tất cả những thay đổi đang đến gần”, Raghuram Rajan nói.
Giám đốc Hamish Deery của Willis Towers Watson thì nhấn mạnh rằng giáo dục là chìa khóa để những quốc gia này bảo đảm rằng tự động hóa sẽ có ảnh hưởng tích cực lên toàn xã hội.
“Chính phủ và ngành giáo dục có thể cùng làm việc với các ngành công nghiệp về những thay đổi với yêu cầu kỹ năng và chuẩn bị sẵn sàng cho lực lượng lao động”, ông nói.