Ông Nguyễn Kim Hưng, Tập đoàn Kim Nam nhấn mạnh Bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản trị phù hợp với từng đối tượng chủ thể kinh doanh sẽ là bộ tiêu chí giúp doanh nghiệp tự tham chiếu, hoàn thiện bản thân.
Tại Hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19”, ông Nguyễn Kim Hưng, Tập đoàn Kim Nam nhấn mạnh: việc Việt Nam khống chế thành công dịch COVID đã tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo ra một niềm tin rất lớn trước khi quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, ông Hưng khẳng định việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cũng như việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh cũng làm cho yếu tố niềm tin cũng được gia tăng.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), hiện nay Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp SME, chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp cả nước và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Tuy nhiên, dựa trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Hưng khẳng định các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tiếp tục bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại về tình hình phát triển doanh nghiệp cũng như gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt phải kể đến những khó khăn về vốn, về thị trường, về quản lý và quản trị doanh nghiệp.
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bước qua khủng hoảng COVID, ông Hưng đề xuất: Xây dựng Bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản trị phù hợp với từng đối tượng chủ thể kinh doanh
“Đối với các doanh nghiệp đây sẽ là bộ tiêu chí giúp doanh nghiệp tự tham chiếu, đánh giá và hoàn thiện bản thân doanh nghiệp. Đối với Chính phủ, thông qua cơ chế này, Chính phủ đưa ra những chính sách sát sườn hơn và cụ thể hơn. Đối với các đối tượng chưa đạt tiêu chuẩn cần đưa ra các chính sách nâng đỡ dìu dắt,.. đối với đối tượng đã đạt các tiêu chuẩn nên đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển”, ông Hưng nói.
Thực tế, ông Hưng cho biết, hiện nay đang tồn tại thực trạng là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh rất khó tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.
Để doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn, ông Hưng đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế Sandbox cho lĩnh vực Fintech.
“Cơ chế Sandbox này sẽ có Kết nối vốn qua nền tảng công nghệ - P2P Lending, các nền tảng Fintech thuê mua tài chính, bảo hiểm và các hoạt động tái bảo hiểm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, các giải pháp thanh toán số, mobile money...”, ông Hưng nói.
Ngoài ra, ông Hưng cũng cho rằng cơ chế Sandbox này nên bao gồm các thủ tục thể chế, chính sách cho thị trường vốn thứ cấp này. Đồng thời làm rõ các đối tượng, các quy trình, trình tự đăng ký cho một doanh nghiệp được tham gia. Được tích hợp vào cổng dịch vụ trực tuyến của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện thí điểm có sự kiểm soát của Nhà nước và không hình sự hóa mọi hoạt động trong quá trình thí điểm.
Nếu đề xuất đi vào thực thế, ông Hưng khẳng định, Sandbox cho lĩnh vực Fintech sẽ giải quyết vấn đề tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
“Đồng thời cơ chế này cũng giúp khai thác tối ưu các nguồn lực về vốn trong dân, các nguồn vốn dư thừa tại một thời điểm nhất định tại từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp làm chủ được công nghệ và làm giảm áp lực cho hệ thống tài chính Trung ương”, ông Hưng nói.