Chiến lược nhân sự là một khái niệm tuy không mới nhưng vẫn chưa thực sự được các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) chú trọng đúng mức.
Chiến lược nhân sự, mà cụ thể hơn là chiến lược đào tạo nhân lực, tìm kiếm nhân tài luôn phải xuất phát từ tầm nhìn và mục tiêu kinh doanh dài hạn của doanh nghiệp.
Đầu tư nhân sự còn hạn chế
Có như vậy, doanh nghiệp mới có được những quyết sách đúng đắn và kịp thời; đưa ra được một chính sách đào tạo, bổ nhiệm và tuyển dụng nhân sự phù hợp (kể cả những vị trí cấp cao ở Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc cho đến các vị trí của từng phòng, ban...). Từ đó, doanh nghiệp mới đảm bảo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong nội bộ; tạo được môi trường hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của từng thành viên.
Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNGĐ, vẫn đều đang là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nên giá trị doanh nghiệp và giá trị đầu tư còn thấp; tầm nhìn chiến lược và tư duy hội nhập còn hạn chế, đặc biệt là tầm nhìn dài hạn. Bởi vậy, việc đầu tư cho chiến lược nhân sự vẫn còn rất hạn chế.
Thực tế cho thấy, với các DNGĐ, lợi thế của họ luôn là sự gắn bó tình cảm tin cậy, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa các mối quan hệ. Hiện còn rất nhiều DNGĐ vẫn tiếp tục loay hoay với câu hỏi: có nên thu hút người tài bên ngoài bằng cách đầu tư đào tạo cho những người có năng lực, đồng thời cho họ giữ các vị trí chủ chốt hay không? Liên quan đến vấn đề này, chương trình CEO – Chìa khóa thành công phát trên VTV1 tiếp tục lên sóng với chủ đề: “DNGĐ– Chiến lược nhân sự”.
Phản đối của HĐQT
Chương trình tiếp nối câu chuyện tuần trước về một DNGĐ có bề dầy 20 năm sản xuất và kinh doanh thành công trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Sau một số cải cách mang tính thuyết phục cao, CEO tiếp tục mạnh dạn đề nghị cải cách nhân sự. Tuy nhiên, quan điểm này của CEO đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ HĐQT. Bởi họ cho rằng các cơ hội phát triển và thăng tiến nghề nghiệp cần phải ưu tiên cho người nhà, chứ không thể bừa bãi trao cho người ngoài, vừa tốn kém lại có những nguy cơ tiềm ẩn.
Ông Trần Quốc Việt, Thành viên HĐQT kiêm Quyền Tổng giám đốc CTCP Đầu tư & Phát triển đô thị Việt Hưng (Ecopark) cho rằng: CEO muốn thuyết phục được HĐQT thì phải phân tích được yếu tố nào đã giúp doanh nghiệp thành công trong 20 năm qua và nó có tiếp tục giúp doanh nghiệp thành công tiếp trong 10- 20 năm tới hay không.
Trong khi đó, bà Bùi Thy Hương, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Con người và Tổ chức PwC Việt Nam cho rằng: CEO phải đưa ra được thông điệp để mọi người thấy rằng doanh nghiệp luôn trân trọng những gì thuộc về văn hóa trong 20 năm qua. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững lâu dài thì doanh nghiệp cần phải thay đổi cùng những yếu tố mới để phù hợp hơn.