Dù mang “họ” Petrolimex nhưng hoạt động kinh doanh của công ty cổ phần XNK Petrolimex (Pitco) chủ yếu là từ kinh doanh thương mại, dịch vụ gia công và chế biến nông sản.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Petrolimex (Pitco, mã PIT, sàn HOSE) là công ty con của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Dù mang “họ” Petrolimex nhưng hoạt động kinh doanh của công ty chủ yếu là từ kinh doanh thương mại, dịch vụ gia công và chế biến nông sản. Hiện tại, Petrolimex đang nắm giữ vốn nhà nước chiếm gần 53% cổ phần tại PITCO tương đương tổng vốn góp hơn 80 tỷ đồng.
Lỗ ròng gần 47 tỷ đồng
Đầu năm 2017, Pitco đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến gia vị chất lượng cao có tổng mức đầu tư 33 tỷ đồng tại một phần khu đất hiện hữu của Xí nghiệp nông sản Tân Uyên - Bình Dương. Với dự án này, Công ty đặt kỳ vọng sẽ trở thành đơn vị tiên phong của Việt Nam về xuất khẩu mặt hàng tiêu đóng chai sang thị trường Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Pitco có vẻ gặp khó khăn trong năm 2017 khi vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2017 ghi nhận lỗ ròng gần 47 tỷ đồng, kém xa kế hoạch lãi 10,5 tỷ đồng mà Công ty đã đặt ra.
Cụ thể, lũy kế cả năm 2017, doanh thu PIT đạt 2.107 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 47 tỷ đồng, trong khi năm ngoái vẫn có lãi 7,8 tỷ đồng. Tính riêng trong quý IV/2017, doanh thu thuần PIT đạt gần 411 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán trong kỳ tăng vọt lên 416 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 5,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gộp 36 tỷ đồng.
Thêm vào đó, doanh thu tài chính PIT chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, giảm mạnh 270% so với cùng kỳ năm 2016 (3,7 tỷ đồng). Nên kết quả lợi nhuận sau thuế trong quý IV Công ty ghi nhận lỗ hơn 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi gần 5 tỷ đồng.
Nan giải hàng tồn
Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lỗ nặng trong năm vừa qua là do áp lực hàng tồn kho, lượng hàng tồn kho sẵn sàng cho sản xuất cũng ở vùng giá cao. Bên cạnh đó, công ty đánh giá giá sắt thép thế giới và giá dầu đã vào cuối chu kỳ tăng giá ngắn hạn nên thực hiện bán phần lớn hàng tồn inox và hạt nhựa cuối năm 2017, giải quyết cơ bản lượng hàng tồn giá cao của các ngành hàng này.
Ngoài ra, do ngành hàng gia vị (hạt tiêu) chiếm tỷ trọng doanh thu chính của Công ty mẹ, trong 2 năm vừa qua giá hồ tiêu thế giới và Việt Nam liên tục giảm sâu và nhanh khiến một số khách hàng khu vực Trung Đông, Nam Á, Châu Phi không thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, PIT đã mua hàng để sản xuất và phải thực hiện lấy nguồn hàng này mua ở thời điểm giá cao giao cho khách hàng khác vùng bán giá thấp.
Được biết, lượng hàng tồn kho sắt thép và hạt tiêu tồn đọng nhiều năm nay, ban lãnh đạo Công ty vẫn đang tiến hành bán hàng tồn kho. Tuy giá trị hàng tồn kho đang giảm dần theo từng năm từ mức 91,7 tỷ đồng (năm 2015), xuống 86,2 tỷ đồng (năm 2016) và xuống còn 66,6 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2017) nhưng đây vẫn là vấn đề "đau đầu" với doanh nghiệp.
6 tháng đầu năm 2017, Pitco đạt tổng doanh thu 1.135 tỷ đồng và lỗ gần 14,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi 5 tỷ đồng.
Từ kết quả kinh doanh không mấy khả quan đó, kiểm toán đã có một số ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính của Pitco khi cho biết, Công ty có một số lượng hàng tồn kho lâu ngày chậm luận chuyển là sắt thép, tiêu nguyên liệu và tiêu bán thành phẩm với giá trị khoảng 66,6 tỷ đồng. Công ty chưa xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được của các mặt hàng này để trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo quy định. Ngoài ra, kiểm toán cũng cho rằng, Công ty chưa trích lập đầy đủ dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với mặt hàng nhựa với số tiền khoảng 7,7 tỷ đồng.
Giải pháp để vấn đề này, Pitco đưa ra vẫn tiếp tục bán hàng, tuy nhiên cho đến hết năm 2017, đơn vị này vẫn chưa giải quyết được vấn đề nan giải này.