Quy định giới hạn chi phí lãi vay hợp lệ chỉ ở mức 20%, nhằm mục tiêu chống thất thu thuế tại Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ con.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2018, sáng 27/11, ông Cao Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ 1/5/2017 với mục tiêu quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
- Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi nghiên cứu thực hiện quy định này đều tỏ ra rất lúng túng. Trong khi đó, các cơ quan thuế hiện nay cũng có quan điểm của hướng dẫn khác nhau không thống nhất, thưa ông?
Tôi được biết, hiện chưa có doanh nghiệp FDI nào hoạt động ở Việt Nam kiến nghị về Nghị định 20 này, chỉ có một số ít doanh nghiệp trong nước, có thể do cách tiếp cận hoặc do cách hiểu cũng như thực hiện còn có những vướng mắc.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 28/11/2018
15:30, 27/11/2018
- Vướng mắc chủ yếu là về quy định khống chế tỷ lệ lãi vay tại Khoản 3, Điều 8 quy định này, thưa ông?
Theo quy định, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Trong hơn 600.000 doanh nghiệp thì hiện nay có hơn 4.000 doanh nghiệp kê khai giao dịch liên kết.
Về vấn đề này, chúng tôi đã chỉ đạo Vụ Doanh nghiệp lớn cũng như Vụ Thanh tra mời các doanh nghiệp đến cùng trao đổi, thảo luận, trước hết để doanh nghiệp hiểu đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó có những đặc thù thì chúng tôi sẽ rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, nhưng trên tinh thần phải bình đẳng đẳng giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
- Thưa ông, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định khống chế tỷ lệ lãi vay tạo ra rào cản việc cho vay nội bộ nội bộ giữa công ty mẹ và công ty con, làm mất đi khả năng điều tiết sức mạnh chung của một tập đoàn, thưa ông?
Theo báo cáo, trong hơn 600.000 doanh nghiệp thì hiện nay có hơn 4.000 doanh nghiệp kê khai giao dịch liên kết.
Do đó, chúng tôi phải rà soát trên những doanh nghiệp này, Bước đầu có khoảng 10% doanh nghiệp vượt mức quy định khống chế trong Nghị định 20. Chúng tôi sẽ rà soát cụ thể để đảm bảo hỗ trợ được cho doanh nghiệp thực hiện Nghị định 20, giúp doanh nghiệp tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và các doanh nghiệp trong nước cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu này.
- Nhưng tại sao Nghị định 20 giới hạn chi phí lãi vay hợp lệ chỉ ở mức 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế, mà không phải là một tỷ lệ khác, thưa ông?
Như chúng ta đều biết, khi hội nhập nền kinh tế thế giới, Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế trong việc bỏ ưu đãi với xuất khẩu và bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và các nước.
Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước OECD và G20 yêu cầu các nước tập trung chống chuyển giá và chống xói mòn nguồn thu. Việt Nam với điều kiện cương quyết là phải ban hành chính sách này để gia nhập BEPS (Chương trình hành động Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận). BEPS đưa ra khuyến nghị khống chế lãi vay từ 10% đến 30%, và Chính phủ đã cân nhắc chọn mức trung bình là 20%, trên cơ sở khảo sát của 12.000 tập đoàn toàn cầu.
- Tôi có một thắc mắc, tại sao không có một doanh nghiệp FDI nào kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam “kêu” về Nghị định 20, mà lại chỉ có doanh nghiệp trong nước, thưa ông?
Các doanh nghiệp FDI hiểu rất rõ đây là cuộc chơi toàn cầu. Chúng tôi đã nghiêm túc khảo sát tại 37.448 doanh nghiệp FDI là các công ty con của các công ty đa quốc gia đóng tại Việt Nam, đến nay, chúng tôi chưa nhận được một văn bản nào của những công ty này kiến nghị về nội dung áp dụng khống chế lãi vay này.
Chúng tôi cũng rất chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, vì trong thời gian vừa qua phải sử dụng vốn vay rất nhiều, tuy nhiên cũng phải có lộ trình và đến lúc nào đó chúng ta cũng phải tính toán lại các khoản vay.
Ở đây tôi đánh giá không chỉ ở vấn đề chống chuyển giá và chống xói mòn nguồn thu, điều này còn góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Cần quy định lại đối tượng áp dụng của Nghị định 20 Một công ty mẹ ở nước ngoài có thể cho vay lại công ty con ở Việt Nam với mức lãi suất rất cao. Sau khi được khấu trừ vào chi phí hoạt động thì công ty con ở Việt Nam sẽ giảm lợi nhuận hoặc thậm chí thua lỗ nên chỉ đóng thuế rất ít hoặc không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi đó phần lợi nhuận đã được chuyển về công ty mẹ ở nước ngoài thông qua chi phí trả lãi vay... Thế nhưng với các doanh nghiệp trong nước, có cùng mức thuế thu nhập doanh nghiệp như nhau, nếu phần lợi nhuận từ công ty con chuyển qua cho công ty mẹ theo hình thức trên thì công ty mẹ cũng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với phần lợi nhuận đó. Vì vậy, cần quy định lại đối tượng áp dụng của Nghị định 20. LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico: “Một người đau mắt, bắt cả làng đeo kính” Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Quy định này tại Nghị định 20 cũng chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện theo quy định này. Hơn nữa, Khoản 3, Điều 8 không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là cách áp dụng rất cứng nhắc, cào bằng theo kiểu thấy một người đau mắt nhưng bắt cả làng đeo kính, chỉ khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn. |
- Xin cảm ơn ông!