Đó là thông điệp của TS. Lê Đỗ Duy Ân – Giảng viên cao cấp Trường Đào tạo Doanh nhân Top Olympia tại Hội thảo “Xây dựng kỹ năng giao tiếp - ứng xử với khách hàng và nội bộ doanh nghiệp”.
Chương trình do Chi nhánh VCCI Nghệ An tổ chức hôm nay (19/07/2019) tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tham dự Hội thảo có đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp cùng hơn 150 doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Duy Hùng – đại diện Chi nhánh VCCI Nghệ An cho biết: Xã hội càng văn minh, tiến bộ thì nhu cầu trong giao tiếp của con người càng cao, càng đòi hỏi nhiều kỹ năng và kiến thức tổng hợp.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 được nhắc đến trong vài năm trở lại đây đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của chúng ta từ cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, và cách thức chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, củng cố các mối quan hệ thậm chí là thay đổi cả hệ giá trị của con người.
“Trong xu hướng hội nhập toàn cầu hóa hiện nay, khi khoảng cách về chất lượng sản phẩm và dịch vụ giữa các doanh nghiệp đang dần được rút ngắn, thì chính sự chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử của đội ngũ nhân viên sẽ góp phần quyết định, tạo nên doanh số bán hàng của chính doanh nghiệp đó”, ông Hùng nhấn mạnh.
Trình bày tham luận, TS. Lê Đỗ Duy Ân khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa giao tiếp, ứng xử trong kinh doanh cũng như chính trong nội bộ doanh nghiệp.
Giao tiếp ứng xử trong doanh nghiệp góp phần xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của doanh nghiệp, từ đó tăng cường uy tín của doanh nghiệp trên thương trường; phát triển thương hiệu, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, thu hút khách hàng, gây thiện cảm với đối tác. Yếu tố này cũng là cầu nối để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp với thị trường, đồng thời nó cũng tạo ra sức ép đối với đối thủ cạnh tranh, củng cố và phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với vai trò đại diện cho các doanh nghiệp trẻ tại địa phương, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ kiêm Chủ tịch Hệ thống Anh ngữ ASEM Việt Nam – ThS. Trần Quý đến với Hội thảo bằng một chân lý rất giản đơn “Giao tiếp hiệu quả nhờ sự thấu hiểu”.
Trong môi trường kinh tế xã hội đang ngày càng phát triển với những mối quan hệ chằng chịt thì vai trò một doanh nhân hoặc nhà quản lý càng phải thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Lúc này, kỹ năng giao tiếp, ứng xử là không thể thiếu và đóng một vai trò tiên quyết trong việc xử lý hiệu quả các mối quan hệ, đem lại nhiều khách hàng và doanh số cho doanh nghiệp.
“Một doanh nhân thành công khi chiếm được niềm tin và sự đồng tình của khách hàng; một nhà quản lý hiệu quả khi biết lắng nghe, thấu hiểu đội ngũ nhân viên, từ đó tạo ra sự tin tưởng, đồng cảm và hơn hết là nỗ lực trong công việc từ họ”, ông Quý khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
16:40, 18/06/2019
20:13, 22/11/2018
05:00, 15/05/2018
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận, đặt ra nhiều giả thiết, tình huống, câu hỏi và trao đổi những kinh nghiệm thực tế trong chính doanh nghiệp của mình như: cách ứng xử trong mối quan hệ giữa các cấp trong công sở; nghệ thuật tư vấn lúc bán hàng; cách chăm sóc khách hàng thời cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt là nghệ thuật giao tiếp, ứng xử với khách hàng, xây dựng hình ảnh một người kinh doanh chuyên nghiệp nhằm đem lại doanh số và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang thay đổi hoàn toàn cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp, ứng xử, và cả cách thức chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng. Chính vì lẽ đó, xã hội càng văn minh, tiến bộ thì nhu cầu trong giao tiếp của con người càng cao.
Trong thế giới phẳng, khi cách nhau hàng ngàn km, thậm chí khác biệt về thời gian, địa lý, chúng ta cũng có thể giao tiếp, ứng xử với nhau qua điện thoại, email, các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… Vì thế, nhu cầu giao tiếp ngày nay không chỉ là nhu cầu mang tính khách quan trong cộng đồng mà còn là yêu cầu cấp bách của sự phát triển kinh tế - xã hội, của loài người và của các quốc gia trên toàn thế giới.