Doanh nghiệp quy mô càng lớn càng chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19

Diendandoanhnghiep.vn Có tới 85,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ chịu tác động càng cao.

Đây là điểm đáng lưu ý vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong Cuộc khảo sát 126.565 doanh nghiệp (trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn) về tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp lớn ảnh hưởng nghiêm trọng

Tính đến thời điểm kết thúc khảo sát, có 126.565 doanh nghiệp tham gia, chiếm gần 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm hiện nay trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, hạch toán toàn ngành.

 

Theo Tổng cục Thống kê, có tới 85,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch COVID-19 càng cao.

Điều này có thể lý giải, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Nhóm doanh nghiệp lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7%; và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ doanh nghiệp) là 82,1%.

Theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch COVID-19 nhất, với 88,7%; tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 87,3% và 85,5%.

Theo khu vực kinh tế, tại thời điểm hiện nay, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ đang chịu nhiều tác động nhất từ dịch COVID-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7% (tuy nhiên quy mô của các doanh nghiệp khu vực này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong toàn bộ doanh nghiệp).

Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cao, điển hình như: ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%; tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.

Theo vùng kinh tế, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung (vùng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng) là hai vùng có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất từ dịch COVID-19, với tỷ lệ trên 88,5%. Đơn cử như ở Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa,… có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 cao nhất, trên 92%. Các tập đoàn, tổng công ty có quy mô kinh tế lớn có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động lên tới 94,6%.

Thị trường tiêu thụ giảm mạnh

Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ…

Tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động đến thị trường tiêu thị

Tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động đến thị trường tiêu thụ

Theo Tổng cục Thống kê, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp hiện nay. Trong giai đoạn này, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Đây là hệ quả tất yếu khi đại dịch bùng phát, người dân Việt Nam và các nước thuộc thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật...) phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.

Có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh. Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, có tới 47,2% doanh nghiệp khẳng định thời gian qua hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Hơn nữa dịch COVID-19 càng kéo dài, nguyên vật liệu đầu vào dự trữ của doanh  nghiệp càng cạn kiệt. Tính đến thời điểm điều tra, có 22,1% doanh nghiệp bị thiếu hụt nguyên liệu đầu vào. Đây là vấn đề dễ dàng nhận thấy khi thị trường nhập khẩu chủ yếu của nước ta đều là các nước đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ dịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Đặc biệt, doanh nghiệp quy mô lớn là đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào, với 42,8% số doanh nghiệp. Nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt của doanh nghiệp chủ yếu đến từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nếu xét riêng doanh nghiệp quy mô lớn có hoạt động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, khi đó tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lên tới 53,8%.

Tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động đến thị trường nguyên liệu đầu vào

Doanh nghiệp FDI là đối tượng chủ yếu bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, với 39,6% số doanh nghiệp bị thiếu hụt. Nếu chỉ tính riêng đối với doanh nghiệp nhập khẩu thì tỷ lệ trên tăng lên mức 56,9%.

Đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành may mặc và da giày cần sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lên tới 70,3% đối với ngành may mặc và 71,0% đối với ngành da giày. Ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô tô có tỷ lệ thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu lần lượt là 62,1% và 58,1%.

Cũng theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, hiện có tới 45,4% số doanh nghiệp khảo sát đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, đây là một trong những khó khăn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay và cũng là tình trạng chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.

Theo ngành kinh tế, khu vực doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ lệ thiếu hụt vốn cao nhất với 54,1% số doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ thiếu hụt vốn là 52,1%, tỷ lệ này ở khu vực dịch vụ là 40,5%.

Hơn 200.000 doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch kéo dài hết quý 4

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, hiện có tới gần 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động cao nhất với 23,6%. Bên cạnh đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động ở mức cao nhất, cùng đạt 20,3%.

Theo ngành kinh tế, khu vực dịch vụ có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao nhất với 22,1%. Trong đó, các nhóm ngành ăn uống, lưu trú và du lịch có tỷ lệ rất cao với tỷ lệ lần lượt là 54,0%; 51,1% và 49,5%.

Nếu dịch COVID-19 kéo dài đến cuối quý II/2020, ước tính có 134 nghìn doanh nghiệp cả nước phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản; trong đó, có hơn 98 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ và gần 35 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng phải tạm ngừng hoạt động.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết quý III/2020, doanh nghiệp gặp khó khăn càng trở nên nghiêm trọng, ước tính sẽ có hơn 160 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoặc phá sản và con số này tiếp tục tăng nhanh lên hơn 205 nghìn doanh nghiệp nếu dịch kéo dài đến hết quý IV.

Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu quý I/2020 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và ước tính 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ bằng 69,6% so với cùng kỳ.

Cũng theo quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là hai nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất. Dự kiến doanh thu quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước của hai nhóm doanh nghiệp này chỉ đạt 59,9% và 61,4%. Dự kiến 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu của các nhóm doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sau sẽ giảm mạnh, cụ thể: Ngành đại lý du lịch chỉ bằng 44,0% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ này ở các ngành: Giáo dục và đào tạo: 47,6%; lưu trú: 56,0%, ăn uống: 59,7% và hàng không: 76,5%.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp quy mô càng lớn càng chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711727910 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711727910 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10