Đã gần 4 năm nay, Nhà máy luyện gang Vạn Lợi (Công ty CP luyện gang Vạn Lợi) tại xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ lâm vào tình trạng ngắc ngoải chờ chết.
Lý do là toàn bộ cổng vào nhà máy bị dân phong tỏa khiến cho nhà máy tê liệt hoàn toàn dẫn đến buộc phải đóng cửa ngừng hoạt động.
Nhà máy luyện gang của Công ty CP luyện gang Vạn Lợi có công suất 500.000 tấn/năm, được xây dựng từ năm 2007, đi vào hoạt động từ quý 3/2010. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhà máy dừng hoạt động vào tháng 10/2011. Đến tháng 9/2013 Công ty hoạt động trở lại, trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu đã để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, máy móc thiết bị dừng hoạt động lâu ngày nên khi vận hành trở lại đã không thể xử lý tốt khói bụi, gây bức xúc cho nhân dân khu vực.
“Cấm vận” đủ đường
Vì những lý do trên, tháng 5/2014, rất nhiều người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh – xã An Hồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng đã tập trung đổ đất đá, dựng lán chặn cả 3 lối vào nhà máy khiến nhà máy “tê liệt”. Cảnh tượng ngày càng buồn thảm hơn, khi sự việc kéo dài đã gần 4 năm, nhưng vẫn chưa được các cơ quan chính quyền giải quyết dứt điểm.
Con đường chính vào nhà máy, cả hai đầu đều bị phong tỏa bằng đất đá cùng chiếc lán quây bạt nylon. Mỗi đầu bị chặn đều có dòng biểu ngữ “Toàn dân An Hồng quyết tâm bảo vệ môi trường”. Cả nhà máy gần 20ha, hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư dần hoang hóa theo thời gian. Hiện tại, nhà máy chỉ còn lại gần 40 công nhân (khi nhà máy hoạt động có hơn 1.000 lao động), trông coi những ống khói cao vút nằm bất động, những khối dây chuyền, thiết bị phơi dưới nắng mưa đã hoen gỉ hệt như một bãi phế liệu khổng lồ.
Trao đổi với ông Nguyễn Cao Bằng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP luyện gang Vạn Lợi cho biết, sau khi xảy ra sự cố, UBND TP Hải Phòng có rất nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm, bảo vệ doanh nghiệp sớm đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, ngày 22/12/2014 Bộ TNMT đã ban hành công văn số 2578 đề nghị UBND TP Hải Phòng tạo điều kiện cho Công ty thực hiện cải tiến, sửa chữa thiết bị và công nghệ để khắc phục.
Sau sự cố về môi trường doanh nghiệp đã đặt mua vật tư, thiết bị để triển khai việc khắc phục ô nhiễm theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường. Tuy nhiên khi Công ty tiến hành đưa máy móc, thiết bị vào để khắc phục thì người dân An Hồng đã ngăn cản, “cấm vận” nên không thể triển khai.
Bán nguyên liệu trả nợ cũng không xong
Để đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng, Cty Vạn Lợi đã thế chấp các tài sản hình thành từ vốn vay và vốn tự có, các nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất: than cốc luyện kim, đá đô lô mít, quặng sắt… Trong các tài sản thế chấp của Cty có các nguyên liệu, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất đã bị lưu kho quá lâu, dẫn đến hư hại, ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị tài sản.
Sau một thời gian dài sự việc không được giải quyết, nhà máy dừng hoạt động đưa Công ty vào tình trạng không có nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng. Để thu hồi nợ, ngân hàng đã ủy quyền cho nhà máy bán số quặng, than cốc tồn động để trả nợ nhưng bị người dân cấm vận, việc xử lý các nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Hơn 3.000 tấn quặng, than cốc phục vụ sản xuất chất đống như quả núi ngoài sân suốt gần 4 năm qua.
Ngày 23/5/2017, khi chiếc máy xúc của nhà máy ra cổng định san gạt đất đá mở đường cho xe vào chở hàng, người dân lại tập trung ngăn cản. Thậm chí, có người cầm chai thủy tinh chứa chất lỏng hắt vào máy xúc doạ đốt nên không khách hàng nào dám đến đó mua, mặc dù việc bán nguyên liệu để trả nợ không liên quan gì đến môi trường.
Ông Bằng cho biết, bên trong lán chặn ở cổng phụ của nhà máy, lúc nào cũng có người canh chừng, nếu thấy nhà máy có hoạt động, họ lập tức đánh kẻng báo động, sau tiếng kẻng sẽ có khoảng 200 người dân quanh khu vực tập hợp cản trở doanh nghiệp.
Suốt mấy năm qua lãnh đạo nhà máy đã kêu cứu khắp nơi nhưng tình hình không có biến chuyển. Trong khi, ngân hàng, chủ nợ liên tiếp hối thúc đòi nợ, người lao động gây áp lực.
Ngày 18/6/2010, Công ty Vạn Lợi đã ra mẻ gang đầu tiên thành công. Dự án Luyện gang này bao gồm hai lò cao, mỗi lò có dung tích 230m3, tổng công suất là 500.000 tấn gang/năm. Thời gian này, nhà mày gần như cơ bản hoàn thiện với 4 nhà máy: Luyện phôi lò điện công suất 600.000 tấn/năm; Cán thép công suất 180.000 tấn/năm; Luyện gang lỏng công suất 500.000 tấn/năm; Sản xuất khí công nghiệp 5.000 m3/giờ. Cty đã tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động địa phương.
Kỳ 2: Chính quyền nói gì?