NHNN chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và giữ ổn định giá cả.
>>>Lo lãi vay đắt đỏ khi lãi suất huy động tăng cao
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, các doanh nghiệp tham gia chương trình này phần lớn là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và phân phối hàng hóa thiết yếu, thuộc các lĩnh vực: lương thực - thực phẩm, y tế, giáo dục phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và đời sống của người dân Thành phố. Do đó, việc giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định chi phí sản xuất, ổn định giá thành và không làm tăng giá bán sản phẩm.
Trên cơ sở mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn trong nhiều năm qua, các ngân hàng xem xét giữ ổn định lãi suất, không tăng lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp này. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Trước đó, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xem xét giảm lãi suất, niêm yết công khai giá mua bán ngoại tệ và tăng trưởng tín dụng hiệu quả để bình ổn giá cả thị trường. NHNN chi nhánh TP.HCM cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho những khoản vay bị ảnh hưởng COVID-19, quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, qua các chương trình tín dụng của NHNN và UBND TP.HCM; tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Song, các tổ chức tín dụng phải nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu đảm bảo an toàn hệ thống.
Đại diện NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, việc giảm lãi suất cho vay sẽ tiết giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp, giúp giữ giá thành sản phẩm, góp phần tạo ổn định thị trường. Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh Thành phố, dư nợ cho vay bình ổn thị trường của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến nay đạt khoảng hơn 2.105 tỷ đồng, với doanh số cho vay lũy kế đạt 5.862 tỷ đồng cho 35 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
Chương trình bình ổn thị trường ở TP.HCM hàng năm diễn ra từ tháng 4 đến tháng 3 năm sau, gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn cung hàng hoá, đảm bảo chất lượng và giá cả trên thị trường. Các doanh nghiệp tham gia cho vay bình ổn thị trường được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp hơn so với lãi suất thương mại trên thị trường.
>>>Lãi suất huy động đồng loạt tăng, nhà giàu hưởng lợi
Hiện nay, một số nhà băng đã tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3%/năm. Cụ thể, Sacombank tăng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng lên 3,7%/năm, 6 tháng lên 4,7%/năm, 12 tháng lên 5,8%/năm và mức cao nhất 6,3%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất tiết kiệm Đại Lợi của SHB kỳ hạn 13 tháng ở mức 6,5%/năm, 18 tháng lên 6,6%/năm. Lãi suất cao nhất của nhà băng này lên 7,4%/năm ở chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc cho kỳ hạn 8 năm, còn 6 năm có mức lãi 7,2%/năm…
Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng khi các nhà băng gia tăng cho vay nhanh nhưng huy dộng có tốc độ tăng chậm hơn. Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố cho vay trên 3 triệu tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, tăng 7% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 2,74% so với cuối năm 2021, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 3,26% và chiếm 37% trong tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Trong khi đó, lãi suất tiền đồng giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 4 sụt giảm từ 0,5 - 0,7%/năm. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng ngày 29/4 ở kỳ hạn qua đêm giảm còn 1,37%/năm, 1 tuần xuống còn 1,58%/năm, 2 tuần còn 2,03%/năm, 3 tháng còn 2,97%/năm. Riêng 2 kỳ hạn có lãi suất tăng từ 0,1 - 0,5%/năm, đó là 1 tháng lên 2,72%/năm và 6 tháng lên 4,29%/năm. Lãi suất bình quân liên ngân hàng sụt giảm cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Sẽ dừng tất cả các dự án không đảm bảo kết nối giao thông!
13:15, 05/05/2022
Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ được khởi công vào cuối năm 2023
14:00, 04/05/2022
Người lao động trở lại TP.HCM sau lễ, cửa ngõ phía Tây ùn ứ
04:30, 04/05/2022
TP.HCM: Đến năn 2025 cơ bản xóa bỏ vấn đề tồn đọng về nhà ở ven kênh rạch
20:52, 26/04/2022
Kinh tế TP.HCM phát triển toàn diện trong 4 tháng đầu năm
16:34, 26/04/2022