Nhiều nghi ngờ về nhóm người đại diện cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội vào TP HCM, mở tiệc và mời người dân góp vốn vào một dự án.
Huy động vốn thời 4.0?
Theo thông tin “mời chào” từ nhóm người tự giới thiệu là cán bộ của Công ty Cổ phần Xây dựng & Khoáng sản Sức Sống Việt (Sức Sống Việt), có địa chỉ tại tầng 16, Tòa nhà hàn Việt, số 203 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, cho biết: năm 2017, Sức Sống Việt có thuê lại mỏ khai thác đá vôi và thiết bị chế biến khai thác đá của một doanh nghiệp để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do công suất máy móc (thấp, khai thác hạn chế khoảng 500m3/ngày), không đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang khó khăn về vốn để đầu tư cho máy móc, cho nên Sức Sống Việt đã mở buổi tiệc để mời các nhà đầu tư tham gia vào dự cán này.
Theo vị cán bộ tên Dương, đại diện Sức Sống Việt giới thiệu: Sức sống Việt là doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín, với ngành nghề kinh doanh bao gồm, xăng dầu, xây dựng, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện tại Sức Sống Việt đang thiếu khoảng 177 tỷ đồng để đầu tư mua máy móc hiện đại hơn, hiệu quả hơn (công suất máy dự kiếm mua sẽ khai thác khoảng 3000 m3 - 4000 m3/ngày), do đó rất mong muốn các nhà đầu tư quan tâm và đầu tư vào dự án. Và doanh nghiệp cam kết sẽ trả mức lãi suất cao lên tới 5%/tháng (tùy vào số tiền đầu tư nhưng tối đa là 5%/tháng) – vị đại diện tên Dương nói.
Ông Dương cho biết thêm, hiện tại Sức Sống Việt đang cung cấp sản phẩm cho một số đơn vị, dự án, cụ thể: dự án Formosa Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần XNK Than – Vinacomin… cho nên, các nhà đầu tư yên tâm về đầu ra.
Trao đổi với DĐDN, ông Đinh Văn T, làm nghề tự do có địa chỉ tại quận Tân Bình, TP HCM, cho biết: Sở dĩ có mặt tại buổi tiệc hôm nay do một người bạn quen trên mạng xã hội mời. Do đó muốn tới đây để tìm hiểu thông tin và nếu hợp lý có thể sẽ đầu tư. Tuy nhiên khi xem qua dự án và đặt một số câu hỏi về thủ tục pháp lý thì liên quan tới dự án, khối lượng được phép khai thác… nhưng doanh nghiệp không trả lời được khiến một số nhà đầu tư có nhiều băn khoăn và nghi ngờ về nhóm người này, nếu người dân không tỉnh táo có thể sẽ sập bẫy vì lãi suất cao – ông T nói.
Bản sao của mô hình đa cấp?
Tương tự bà Nguyễn Thị M, có địa chỉ tại quận Phú Nhuận, TP HCM cũng được mời đến tham dự thông qua Zalo, cho biết: nhà đầu tư chủ yếu đặt câu hỏi về tính pháp lý của dự án vì đây là “kiểu huy động vốn mới lạ, đặc biệt là dự án kêu gọi đầu từ vào mỏ đá thuê lại của doanh nghiệp khác” như vậy thì có được phép hay không, độ khả thi có cao hay không? Nếu như đây là dự án nhà ở hay BĐS thì chẳng có gì để nói nhưng về lĩnh vực này thì chúng tôi chưa nghe bao giờ nên thực sự hơi tò mò – bà M nói.
Cũng theo bà M, khi chúng tôi hỏi chi tiết về dự án thì đại diện phía doanh nghiệp thường né tránh mà chỉ xoáy vào lãi suất, lợi nhuận… nên thực sự hơi nghi ngờ đây có thể là “bản sao” về mô hình huy động vốn đa cấp – bà M cho biết.
Với sự việc nêu trên có thể thấy, sự phát triển của công nghệ thông tin thời 4.0 là quá nhanh và quá thuận tiện bởi: đa số người dân được mời gọi tham gia chủ yếu qua Zalo, facebook (mạng xã hội). Do đó nếu các nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ thông tin, ham lợi nhuận có thể sẽ vướng vào mô hình huy động vốn đa cấp rồi tiền mất tật mang.