Khảo sát của VCCI cho thấy vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải chung chi, chi phí ngầm, chi phí ngoài…
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố: “Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2019”. Năm nay VCCI khảo sát tập trung 6 nhóm vấn đề gồm tiếp cận thông tin chính sách pháp luật và thủ tục hành chính thuế; thanh kiểm tra thuế; hóa đơn điện tử;… tại 1.700 doanh nghiệp trên cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy có 9% doanh nghiệp thừa nhận ngay là phải trả chi phí ngoài quy định, 64% cho biết là không, 27% từ chối trả lời.
Trong số đó, tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh phải trả chi phí “đen” nhiều nhất. Tỷ lệ chi trả cho cán bộ thuế ở bộ phận kiểm tra thuế, thanh tra thuế là cao nhất: 73%.
Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra thuế, báo cáo cho biết tình trạng này không cải thiện nhiều so với 2016 khi doanh nghiệp càng lớn càng cơ quan thuế “viếng thăm” nhiều hơn. Báo cáo nhấn mạnh đây chính là nguyên nhân mà các hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp.
Kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2019 là 7,79 điểm, quy ra tỷ lệ phần trăm là 78%, tăng 3% so với năm 2016. Như vậy, vẫn còn hơn 20% doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng.
Cụ thể các chỉ số đánh giá như sau: Tiếp cận thông tin thuế đạt 7,96 điểm; thực hiện thủ tục hành chính thuế đạt 7,76 điểm; thanh tra, kiểm tra thuế đạt 7,20 điểm; cải thiện chất lượng phục vụ của công chức thuế đạt 7,86 điểm và kết quả giải quyết công việc đạt 8,19 điểm.
So với 2016, kết quả năm nay có 3 chỉ số tăng điểm (là sự phục vụ của công chức thuế, tiếp cận thông tin và kết quả giải quyết công việc) và có 2 chỉ số giảm điểm (là thực hiện thủ tục hành chính thuế và thanh tra, kiểm tra thuế).
Điểm sáng trong cải cách của ngành là nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính thuế, áp dụng công nghệ thông tin. Đến nay, ngành thuế đã cung cấp trực tuyến 133/304 thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 4; có 99% các doanh nghiệp khai thuế điện tử; 93% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử.
Bên cạnh đó, là quy định về hoàn thuế Giá trị Gia tăng (GTGT) vẫn còn những bất cập, đang là điểm nghẽn trong cải cách thủ tục thuế. Chẳng hạn, các doanh nghiệp có nguyên liệu đầu vào mua dùng cho sản xuất chịu mức thuế GTGT 10%, trong khi phần lớn các sản phẩm bán ra lại chịu mức thuế GTGT 0% hoặc 5%. Các doanh nghiệp này luôn gặp tình trạng phát sinh số thuế GTGT không được khấu trừ hết qua các tháng trong năm do sự chênh lệch nêu trên. Điều này dẫn tới hiệu quả sử dụng vốn thấp và gây thiệt hại lớn trong sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra là những bất cập như việc áp thuế không thống nhất giữa cơ quan Hải quan và các Bộ quản lý chuyên ngành, dẫn đến khó khăn đổ vào đầu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng lo ngại về sự thay đổi đột ngột của luật thuế và áp dụng ngược trở về thời gian trước, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ gặp rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 09/01/2019
09:19, 14/08/2018
07:34, 18/12/2017
Báo cáo của VCCI chỉ rõ dù đã có nhiều cải cách làm thay đổi cơ bản về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, nhưng đến nay Việt Nam vẫn xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN về chỉ số nộp thuế. Mục tiêu vươn lên top 4 còn thách thức rất lớn.
Tiếp nhận kết quả khảo sát của VCCI, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cam sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường đào tạo tập huấn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thuế cũng như chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; rèn luyện tác phong làm việc và tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức thuế...