Doanh nhân Nguyễn Trí Tám: Bắt đất cằn phải “nhả vàng”

Kim Oanh - Kiều Phiên 13/11/2018 11:30

Sau khi thành công ở lĩnh vực xây dựng, doanh nhân Nguyễn Trí Tám lại dồn tâm sức “bắt” những thửa ruộng cằn cỗi, sỏi đá ở quê nhà phải “nhả vàng”.

Suốt 10 năm, đổ bao công sức xuống những cồn đất cằn cổi đến hố sâu rậm rịt lau sậy ông Nguyễn Trí Tám đã làm hồi sinh những tấc đất bỏ hoang ở thôn 5, xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hàng chục trang trại lợn được  bao quanh bởi màu xanh tươi tốt của bưởi diễn, cam đường, xua tan màu đất bạc nơi này…

Giám đốc thích… trồng cam, nuôi lợn

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, lại có tới 6 anh chị em nên từ nhỏ ông Tám đã nếm đủ mọi vất vả. Dù nhà nghèo nhưng các cụ thân sinh của ông Tám vẫn cố bóp bụng, tằn tiện để cho các con ăn học ra ngành, ra nghề, chỉ riêng ông Nguyễn Trí Tám từ nhỏ đã ham làm nông nghiệp, thích ra đồng đi cấy hơn cắp sách tới trường. Năm 1998, đi bộ đội về, dù được bố mẹ xin cho một công việc tốt ở quê nhưng ông Tám vẫn quyết bỏ nhà vào tỉnh Đăk Lăk để làm rẫy trồng cà phê, điều. “Đó là một quyết định rất khó khăn, bởi gia đình ai cũng phản đối tôi theo một công việc lam lũ, lúc nào cũng "bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nhưng tôi vẫn quyết tâm, bởi tôi tin nếu làm nông nghiệp đúng cách thì không chỉ đủ ăn mà còn có thể làm giàu”, ông Tám nói.

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp "nông dân" Nguyễn Trí Tám tại vườn bưởi diễn đang độ chuẩn bị cho thu hoạch

Vào tới bản vùng sâu thuộc xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lăk, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ, ông Tám đã mua lại hàng chục héc ta đất nương rẫy bỏ hoang của đồng bào dân tộc để trồng cà phê và điều. Nhớ lại những ngày gian khó, ông Tám cười bảo: “Vào bản, mình lập lán dưới vách núi, thuê thêm vài người địa phương mang dao, rựa đi khai hoang, trong bản khó khăn nhất là nguồn nước sinh hoạt và nước tưới. Để có nước ăn, mình đào giếng cả tuần trời, đến tứa máu tay mới xuyên thủng các phiến đá xuống mạch nước ngầm. Có nước rồi, mình bắt đầu trồng những luống cà phê đầu tiên trên mảnh đất này”.

Trời chẳng phụ lòng người, hàng chục héc ta cà phê, điều của ông lớn nhanh như thổi rồi cho thu hoạch rất năng suất. Thời điểm đó, giá trị của cà phê và điều rất lớn nên chẳng mấy chốc ông Tám đã gom được một số vốn kha khá. Có tiền trong tay, ông đã giao lại vườn cà phê cho người em dể trông coi rồi quyết định về quê lập nghiệp.

Những năm 2000, ông Nguyễn Trí Tám đem vốn liếng của mình để đầu tư thành lập Công ty, mở doanh nghiệp lấy tên là Tân Huy Ngọ và nhận các công trình xây dựng giao thông, các dự án xây dựng tại địa phương để làm. Chính sự tận tụy, làm ăn trung thực nên các công trình của công ty ông đều có chất lượng tốt, nên uy tín ngày càng được nâng cao.

Năm 2006, khi công ty xây dựng của ông đang đà phát triển thịnh vượng, ông Tám lại thèm được trồng cam, nuôi lợn nên ông quyết định mua lại 2,8ha đất Cồn Ngô vốn bị nhiễm phèn, bỏ hoang ở quê để làm nông nghiệp.

“Vợ con, bạn bè tưởng mình có tiền thì làm chơi chơi cho vui. Nhưng khi họ thấy mình cả ngày ở trang trại để chăm lợn, tưới cây thì họ mới tin là mình làm thật. Những ngày đầu khó khăn lắm, mình thả 25 con lợn nái thì chết mất 15 con. Tiếp đó, mình đầu tư thêm 50 con lợn nái thì dính vào đợt dịch tai xanh lại chết hơn một nửa. Hơn 2000 gốc cam, bưởi mới được 1 năm thì gặp trận lụt lịch sử năm 2007, nên cũng bị "mất trắng”, ông Tám nhớ lại.

Đất cằn... nên quả ngọt

Sau nhiều lần thất bại, với quyết tâm biến đất hoang thành “vàng”, hiện trang trại của ông Tám có quy mô lớn nhất vùng với hơn 4.000 con lợn, hàng chục nghìn gốc cam, bưởi cho thu nhập 22 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương.

Khi mô hình trang trại trồng cam, nuôi lợn của ông Tám thành công, hàng chục người dân ở địa phương đã qua nhà nhờ ông chỉ cách làm giàu. Ông đã tận tụy đến từng nhà truyền đạt kỹ thuật cải tạo đất, cách trồng cam, chăm lợn. Điều quan trọng, ông chỉ ra cho người nông dân hiểu cách kết hợp giữa chăn nuôi và trồng cây sẽ đem lại hiệu quả rất cao cho nông nghiệp.

Giờ đây, con đường nhỏ dẫn vào thôn 5, xã Xuân Thành được thảm bê tông chắc chắn giữa màu xanh bạt ngàn của những vườn cam, vườn bưởi. Nơi đây giờ đã trở thành thủ phủ trồng cam, bưởi của tỉnh Thanh Hóa, người dân trở nên giàu có, ấm no cũng nhờ trồng cây cam, cây bưởi. Và doanh nhân Lê Trí Tám chính là người tiên phong mang cây “nhả vàng” về nhân rộng mô hình cho người dân xứ này.

Ghi nhận những cống hiến của doanh nhân Nguyễn Trí Tám, năm 2015 tỉnh Thanh Hóa đã tăng bằng khen “Có thành tích xuất sắc, điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong các phong trào thi đua, yêu nước giai đoạn năm 2010-2014”. Ngoài ra, ông còn được nhận bằng khen của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam “Có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam”... Gần đây nhất tháng 10/2018, Doanh nhân "nông dân" -  Nguyễn Trí Tám, là một trong 62 nông dân tiêu biểu của cả nước được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tặng bằng khen "đã có thành tích đóng góp trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Nguyễn Trí Tám: Bắt đất cằn phải “nhả vàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO