Khởi nghiệp nghề may với chỉ vẻn vẹn gần 5 triệu đồng, đến nay, xưởng may của anh Nguyễn Văn Xuân, thôn Phan, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) đã đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng mỗi năm.
“Ly nông không ly hương”, anh là gương điển hình cho lớp trẻ làm giàu trên đất quê hương, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, kinh tế khó khăn, anh Xuân luôn luôn ý thức về một công việc ổn định để có thể lo cho gia đình sau này. Đặc biệt yêu thích nghề may nên ngay từ nhỏ, cậu bé Xuân đã chịu khó tìm tòi, học hỏi về nghề này. Cầm tấm bằng cử nhân ngành may, chàng thanh niên ấy xin vào làm cho một công ty tư nhân tại Hà Nội. 6 năm cần mẫn, miệt mài tích lũy kinh nghiệm, Xuân luôn nuôi ước mơ có một xưởng may với thương hiệu của riêng mình. Lòng say nghề cùng đôi bàn tay khéo léo đã giúp anh có thêm quyết tâm “từ công nhân thành ông chủ”.
Dày công gom góp vốn, anh quyết định khởi nghiệp vào tháng 8/2011, thuê 1.500m2 đất tại thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) và tuyển dụng gần 60 công nhân vào làm việc. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2011 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, sản xuất bị đình trệ, buộc anh phải đóng cửa xưởng may vừa mới hoạt động được gần 4 tháng.
Anh Xuân chia sẻ: Khoảng thời gian ấy rất khó khăn với tôi và gia đình. Xưởng sản xuất vừa mới mở chưa được bao lâu đã phải đóng cửa vì không có vốn. Những công nhân mình mất công tuyển chọn buộc phải nghỉ việc giữa chừng. Lúc ấy tôi rất sợ sẽ mất uy tín với mọi người.
Thất bại nhưng không nản chí, sau thời gian đó, anh vẫn tiếp tục trau dồi thêm kinh nghiệm, gom góp vốn để tích lũy. Năm 2016, anh quyết tâm mở lại xưởng với cái tên “xưởng may Vạn Xuân” ngay trên mảnh đất quê hương mình, thuê 50 lao động làm việc. Trời không phụ lòng người, xưởng may của anh Xuân dần có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường.
Hiện tại, xưởng may của anh chủ yếu sản xuất mặt hàng áo sơ mi, 95% số lượng sản phẩm xuất bán đi Mỹ, còn lại là các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, anh Xuân còn đang làm chủ 2 cơ sở may tại tỉnh Hưng Yên và xã Điệp Nông (Hưng Hà) với tổng số 40 công nhân. Trung bình mỗi ngày, xưởng may của anh sản xuất được trên 1.000 chiếc áo, doanh thu hàng năm đạt trên 5 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh thu lãi trên 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, xưởng may của anh còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mỗi công nhân tại xưởng đều được anh trả với mức lương từ 4,5 - 7 triệu đồng/người/tháng, được đóng bảo hiểm đầy đủ và ăn trưa miễn phí.
Anh Hoàng Văn Mười, thôn Tiên La, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) là một trong số những lao động làm thuê tại xưởng cho biết: Công việc ở đây không quá vất vả nhưng cần có tay nghề khéo léo. Bản thân anh Xuân cũng luôn bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho mỗi người chúng tôi.
Thời gian tới, anh Xuân sẽ thuê đất của xã để mở rộng diện tích xưởng may và tuyển thêm 150 công nhân, sản xuất một số mặt hàng mới. Thành công của anh Xuân là tấm gương về nghị lực, ý chí của tuổi trẻ hôm nay.
Tựa bài do Enternews đặt lại