Chắc hẳn đây là mong ước của mọi dân tộc nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh, mong ước và khát vọng ấy lại càng trở nên ý nghĩa.
Có thể bạn quan tâm
13:25, 30/04/2017
22:17, 30/04/2016
13:55, 07/12/2015
Bởi kể từ ngày 2/9/1945 đến nay, đã 73 năm, nhưng lời kết của Tuyên ngôn độc lập vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Nhìn lại tiến trình lịch sử, có một sự thật chắc chắn rằng, nếu không có Cách mạng tháng Tám 1945, thì sẽ không có Lễ Độc lập ngày 2/9/1945. Cách mạng tháng Tám 1945 ghi đậm dấu ấn của nhân dân khi chủ động làm nên tiền đề để khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bởi hệ quả tốt lành chính là sự xác lập chế độ dân chủ cộng hòa với việc lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam có quyền đi bầu cử và tham gia vào Quốc hội.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào càng khẳng định hơn nữa việc chế độ dân chủ cộng hòa được thành lập.
Khi ấy, đất nước đang hoang tàn, đổ nát vì chiến tranh. Kinh tế gần như là số không và như các sử gia đã làm rõ: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi ấy hợp với lòng dân nên khi kêu gọi người dân sẵn sàng đóng góp, ai có gì góp nấy, họ không cần ghi chép, tuyên dương hay đòi hỏi công trạng. Nguyên lý “dân là gốc”, “lòng dân là quan trọng” không bao giờ sai.
Nhưng quan trọng hơn, trong bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc trước quốc dân đồng bào đã thể hiện rằng: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó đã thực sự gắn bó với lực lượng đồng minh, gắn bó với những tiến bộ của nhân loại. Tuyên ngôn độc lập minh định rõ rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.
Tuy là một nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ, nhưng có lẽ kinh nghiệm và nhiệt huyết, định hướng và nền tảng của Hồ Chí Minh cũng như Chính phủ lâm thời khi đó đã ban hành những khung khổ pháp luật ban đầu, những cơ quan quan trọng mà đến ngày nay tính chân lý của nó vẫn không thể phủ nhận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã ký nhiều sắc lệnh để đảm bảo quyền tự do của người dân, ngăn chặn những tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền… Một trong những Sắc lệnh đầu tiên là sắc lệnh thành lập cơ quan thanh tra nhà nước. Ngoài ra, còn có thể kể đến những sắc lệnh về tổ chức Quỹ Độc lập và phát động “Tuần lễ vàng”; bãi bỏ thuế thân… 87 sắc lệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thể hiện rõ khát vọng độc lập, tự do. 73 năm qua, khát vọng này chưa bao giờ mất đi tính thời sự.