Đổi 100 USD phạt 90 triệu, sàm sỡ nữ sinh phạt 200 ngàn - Cử tri phản ứng

Minh Phượng 09/05/2019 15:33

Cử tri không đồng tình về quy định xử phạt 90 triệu đối với vi phạm đổi 100 đô, xử phạt 200 nghìn đối với hành vi sàm sỡ người khác.

Tiếp tục phiên họp thứ 34, sáng 9/5, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: cử tri bức xúc về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực khác nhau còn có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tế...

Mức xử phạt hành chính trong nhiều trường hợp còn nêu rất chung chung, chưa phân biệt rõ ràng giữa mức độ vi phạm với mức xử phạt tương ứng

Phản ứng xử phạt không đúng mức

Theo đó, cử tri không đồng tính quy định xử phạt 90 triệu đối với vi phạm đổi 100 đo, xử phạt 200 nghìn đối với hành vi sàm sỡ người khác. Liên quan đến những tồn tại, hạn chế trong giải quyết kiến nghị của cử tri, báo cáo nêu rõ, việc tiếp thu kiến nghị cử tri sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính không phù hợp thực tiễn, còn chậm dẫn đến một số vi phạm chưa được xử lý thỏa đáng (quá nặng hoặc quá nhẹ gây bức xúc).

Bà Hải lấy dẫn chứng,  cử tri các tỉnh Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Cao Bằng,.. cho rằng cần sửa đổi các mức xử phạt nghiêm khắc hơn, đảm bảo tính răn đe, xử lý mạnh và nghiêm minh, tránh để tình trạng như vừa qua với hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy tại một chung cư ở Hà Nội, nhưng mức xử phạt hành chính đối với người vi phạm chỉ có 200.000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 5 của Nghị định 167), khiến dư luận bức xúc do mức xử phạt chưa tương xứng với hành vi vi phạm và tác động xấu mà nó gây ra về dư luận xã hội, mức phạt còn quá nhẹ, nên không đủ sức răn đe.

Theo bà Hải, cử tri cũng cho rằng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực khác nhau (được quy định trong nhiều văn bản về xử phạt vi phạm hành chính) còn có sự chênh lệch, thiếu công bằng, không phù hợp với thực tế nên chưa được người dân đồng tình ủng hộ. 

 Chẳng hạn như vụ việc một công dân ở Cần Thơ, đổi 100 USD tại cửa hàng kinh doanh vàng (nơi không được thu đổi ngoại tệ), theo quy định tại khoản a điểm 3 điều 24 nghị định số 96/2014/NĐ-CP bị phạt tiền 90.000.000 đồng là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cử tri lại cho rằng mức xử phạt như vậy là quá nặng nếu so sánh về mức độ gây hậu quả và tác động xấu lên dư luận xã hội đối với một số hành vi vi phạm khác (chẳng hạn như hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy chỉ bị phạt ở mức 200.000 đồng).

Cần rà soát lại Luật

Bà Nguyễn Thanh Hải nói:  mức xử phạt hành chính trong nhiều trường hợp còn nêu rất chung chung, chưa phân biệt rõ ràng giữa mức độ vi phạm với mức xử phạt tương ứng. Chẳng hạn với hành vi "mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" quy định tại khoản a điểm 3 điều 24 nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu: "phạt tiền từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. 

 Tuy nhiên, mức xử phạt lại không quy định tương ứng với tổng số ngoại tệ được mua bán dẫn đến khó phân biệt mức xử phạt giữa người mua bán, chẳng hạn xử phạt người mua bán 100 USD hay 1.000 USD nhiều hơn,...

Cử tri kiến nghị cần rà soát các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để sửa đổi, bổ sung cho đầy đủ, kịp thời, phù hợp với mức độ vi phạm; đồng thời đảm bảo tính công bằng, thống nhất trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau trong xử phạt hành chính, bà Hải nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đổi 100 USD phạt 90 triệu, sàm sỡ nữ sinh phạt 200 ngàn - Cử tri phản ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO