Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) vừa tài trợ 124 tỷ đồng cho các dự án khoa học xuất sắc. 20 dự án được tài trợ đợt 1, mỗi dự án nhận mức cao nhất là 10 tỷ đồng.
Các dự án thuộc các lĩnh vực big data, y sinh tính toán, gene và tế bào, khoa học vật liệu, giao thông thông minh, IoT, nhận dạng hình ảnh và xử lý ngôn ngữ tự nhiên... được tài trợ.
Quỹ VinIF được thành lập ngày 21/8/2018 với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hoạt động dựa trên nguyên tắc phi lợi nhuận.
Việc tài trợ hướng đến các nghiên cứu khoa học, công nghệ có thể đem lại sự thay đổi cho xã hội; xây dựng hệ sinh thái nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và gắn kết nhà nghiên cứu - viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp.
Trong tháng 8/2019, các dự án sẽ bắt đầu nhận tài trợ để triển khai. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn thành lập, Quỹ đổi mới sáng tạo của một tập đoàn kinh tế tư nhân đã chính thức bắt đầu triển khai.
Ở một chiều khác, đầu năm 2015, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) ra mắt, là một định chế tài chính mới, quan trọng của Nhà nước, của Chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ của đất nước. Kỳ vọng của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp vào NATIF rất lớn.
Bởi, theo quyết định về việc thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ của quỹ là 1.000 tỉ đồng do ngân sách nhà nước cấp. Hằng năm, quỹ còn được cấp vốn bổ sung từ ngân sách nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ này.
Có thể bạn quan tâm
15:24, 20/08/2019
00:00, 24/09/2014
Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết năm 2018 của NATIF nêu, Quỹ đã tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu lần 1, giám sát, kiểm tra công tác đấu thầu cho 20 nhiệm vụ và cho đến thời điểm hiện nay, Quỹ mới trong giai đoạn triển khai thực hiện 3 đề tài và 1 dự án cấp bộ.
Sự chậm trễ trên, theo diễn giải của NATIF, quy định tại thông tư liên tịch số 120/2014/TTLT/BTC-BKHCN “Quỹ được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phi hoạt động thường xuyên như đối với đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định hiện hành”.
Nhưng điều 12 Nghị định số 163/2016 hướng dẫn một số điều của Luật Ngân sách nhà nước lại quy định “ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”.
Do đó, khi chiểu theo Luật Ngân sách nhà nước thì Quỹ đương nhiên là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước nên Bộ Tài chính không phê duyệt kinh phí.
Bên cạnh đó, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ cần thời gian càng sớm càng tốt, trong khi quy trình của NATIF phải mất hàng tháng đến vài năm mới được xét duyệt.
Đổi mới Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia là yêu cầu cấp thiết bởi không có một cơ chế tài chính hợp lý, sẽ rất khó để NATIF tham gia vào thúc đẩy đổi mới công nghệ của đất nước như mục tiêu ban đầu Chính phủ đề ra.