Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô vẫn xuất hiện quy định hành chính tương tự như "giấy phép con" được duy trì như lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh…
Đọc dự thảo, tôi có cảm nhận rằng dự thảo dường như dự thảo vẫn thể hiện sự tiếc nuối đối với phương thức quản lý kiểu cũ bởi nội dung của dự thảo nghị định vẫn chủ yếu là nêu lên sự bất cập quản lý, trở ngại đối với quản lý nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp nhưng lại "phớt lờ" lợi ích của người dân, doanh nghiệp và tổ chức sử dụng dịch vụ giao thông.
Mặt khác, quá trình đô thị hóa, phát triển kết cấu hạ tầng ở nước ta đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin đang tạo nên sự thay đổi lớn trong mọi mặt của đời sống… đã, đang và sẽ làm thay đổi xu hướng phát triển của 2 phía cung và cầu. Tuy nhiên, dự thảo nghị định điều kiện kinh doanh bằng ô tô không xem xét đến những yếu tố này.
Nếu như chúng ta cứ giữ tư duy hiện nay thì trong những năm tới có xe mới ra đời như xe không người lái, xe điện thì chúng ta sẽ phải làm sao? Với chính sách hiện nay, chúng ta cứ lẽo đẽo theo các nước khác. Nếu không theo thị trường, không thích ứng, chính sách của Việt Nam về giao thông nhanh chóng lạc hậu.
Cạnh đó, khi đọc dự thảo, vẫn còn những quy định hành chính vô lý được duy trì như lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh; trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới sở giao thông vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô các thông tin chuyến đi…
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm một số quy định đối với các đối tượng kinh doanh như cho phép áp dụng chính thức hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, ngay tại quy định mới được bổ sung này, đã xuất hiện hàng loạt những bất cập bởi quy định dường như đang bảo hộ cho một số loại hình kinh doanh như hợp tác xã kinh doanh vận tải, doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo phương thức truyền thống nhưng lại quản lý theo cách cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp mới hình thành như kinh doanh vânh tải hành khách theo hợp đồng cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng điện tử, các hộ kinh doanh điện tử.
Điều này vừa phản cạnh tranh, vừa đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được tự do lựa chọn những phương thức kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Mặt khác, cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược chủ trương của Nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ, nhằm nâng cáo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Đặc biệt, tại khoản 2.a của Điều 12 về Điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có quy định: “Phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định mới của pháp luật.”
Tuy nhiên, quy định tại Điều 67 Luật giao thông đường bộ 2008 không đặt ra điều kiện về sở hữu phương tiện kinh doanh vận tải đối với các phương tiện. Vậy tại sao Dự thảo Nghị định lại đặt ra điều kiện này?
Yêu cầu “Phương tiện phải thuộc… quyền sở hữu sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.”… cũng không rõ ràng. Quy định được nêu ra ở đây là quy định nào, hay Bộ Giao thông vận tải sẽ đưa ra quy định đó sau khi ban hành yêu cầu dựa trên Nghị định này?.
Điều đáng nói nhất là quy định giới hạn các chủ thể được phép cho đơn vị kinh doanh vận tải thuê phương tiện ngào hệ quả hạn chế thị trường thuê xe của đơn vị kinh doanh vận tải còn dẫn tới việc hạn chế quyền hợp pháp của chủ sở hữu tài sản ( chủ sở hữu phương tiện vận tải bất kỳ) trong việc cho các đơn vị kinh doanh vận tải thuê tài sản; và do đó mâu thuẫn với các quy định của pháp luật dân sự, theo đó giao dịch cho thuê phương tiện giữa chủ sở hữu phương tiện với doanh nghiệp vận tải là giao dịch hợp pháp được pháp luật dân sự nghi nhận.
Cả hai hệ quả này là vấn đề rất lớn về mặt thị trường (cạnh tranh) và quyền sở hữu. Việc hạn chế thị trường và hạn chế quyền sở hữu là điều hết sức thận trọng, đòi hỏi những giải trình rõ ràng và mục tiêu chính sách của quy định. Nếu chỉ là mục tiêu đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp phương tiện vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải thì không đủ để giải thích cho một quy định can thiệp bào quyền tài sản, quyền thị trường cơ bản như thế này.
Để khắc phục được những hạn chế nêu trên, tôi cho rằng dự thảo cần bổ sung phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 86 và dự báo tác động của Nghị định thay thế, dựa trên thực tiễn và xu hướng phát triển của hai phía cung-cầu đối với dịch vụ phương hướng vận tải của nước ta.
Đồng thời, dự thảo nên bỏ những quy định mang tính trói buộc doanh nghiệp như yêu cầu lái xe phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh; trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới sở giao thông vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô các thông tin chuyến đi…