“Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu”

Kiều Vũ 17/12/2018 17:25

Đây là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững”.

Sự kiện do Quốc hội Việt Nam, Liên minh Nghị viện thế giới và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phối hợp tổ chức tại TP. Đà Nẵng trong hai ngày 17, 18/12.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu trong đó có các chỉ tiêu ưu tiên thực hiện như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt. Chương trình nghị sự 2030 thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt

Các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới vừa là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc cải thiện cuộc sống của người dân, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống. Để đạt được những mục tiêu đó, sự tham gia của các vị Đại biểu Quốc hội cũng như các vị đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, những người được nhân dân trao quyền và gửi gắm nguyện vọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát việc thực hiện và phân bổ ngân sách cho hoạt động triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước” – theo Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách của nhà nước. Quốc hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng hoàn thiện  hệ thốngchính sách pháp luật làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trên thực tế.

Trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Quốc hội Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 2013, đồng thời đã xây dựng và sửa đổi, bổ sung hơn 300 đạo Luật tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Quốc hội đã thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các địa biểu tại Hội nghị “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững”

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững

    15:10, 17/12/2018

  • Phát triển bền vững là con đường duy nhất doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn tồn tại

    07:37, 23/11/2018

  • Phát triển bền vững sẽ là chiến lược mới trong phát triển doanh nghiệp

    01:39, 23/11/2018

  • Phát triển bền vững là sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp

    19:47, 22/11/2018

  • Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ phát triển bền vững toàn cầu 2030

    19:10, 20/10/2018

  • Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải đầu tư cho môi trường

    23:14, 19/10/2018

Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện việc giám sát tối cao đối với tất cả các hoạt động của cơ quan nhà nước Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về ứng phó biến đổi khí hậu; về đầu tư cho y tế, khoa học và công nghệ để đảm bảo phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các điều ước, công ước quốc tế.

Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, các đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, thể hiện vai trò tích cực của Quốc hội trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, mà gần đây nhất là Tuyên bố Hà Nội về “Các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015- Biến lời nói thành Hành động”  tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 tổ chức vào đầu năm 2015 tại Việt Nam. Là các đại biểu dân cử, đại biểu Quốc hội Việt Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân đại diện cho nhân dân giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển ở các cấp độ thông quan việc thường xuyên tiếp xúc với cử tri, lắng nghe tiếng nói của cử tri phản ánh về hiệu quả chính sách tại địa phương mình. Qua đó có tiếng nói với Quốc hội để giám sát việc triển khai góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để thúc đẩy thực hiện các SDGs trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các SDGs là rất cần thiết.

Sắp ban hành 196 chỉ tiêu phục vụ phát triển bền vững

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể của SDGs trong đó đặc biệt nhấn mạnh coi mọi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển. Tại Diễn đàn chính trị cấp cao 2018 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF 2018), Chính phủ Việt Nam đã có Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện. Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững với 196 chỉ tiêu phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị để quán triệt các Bộ, ngành, cấp chính quyền thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Việt Nam tuy đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp. Đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn để không bị bỏ lại ngày càng xa nhưng Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững và nếu phải đặt lên bàn cân thì cần ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, cụ thể và trực tiếp nhất  là cho bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tạo bình đẳng cơ hội và hỗ trợ cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam lưu ý các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030; Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện các chương trình giám sát thực hiện các cam kết quốc tế, các quy định của Pháp luật về phát triển bền vững cũng như ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính….

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Liên minh nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungong đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Ông khẳng định: “Việt Nam là nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị về vấn đề này… Tôi tin tưởng rằng với sự hợp tác của Quốc hội Việt Nam, chúng ta sẽ đạt được nhiều kết quả hơn trong thời gian tới, tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Đây là trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với các nghị viện”.

Ông Kamal Malhotra – Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc - bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến Quốc hội Việt Nam đã tham gia rất tích cực trong việc biến các mục tiêu phát triển bền vững thành hiện thực.

Cũng tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong đã trao bản tiếng Việt "Bộ Công cụ các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện Các mục tiêu Phát triển bền vững" cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO