“Đòn bẩy” bán lẻ từ AR

HUỲNH KIM TÔN, CHUYÊN GIA QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO 05/12/2020 11:24

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy tốc độ số hoá ở mọi lĩnh vực và đời sống. Trong đó, ngành bán lẻ đang chuyển đổi số mạnh mẽ hơn so với các ngành khác với công nghệ Thực tế tăng cường (AR).

Theo báo cáo của IBM về chỉ số bán lẻ Mỹ năm 2020, đại dịch đã thúc đẩy tốc độ chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến tăng nhanh hơn khoảng 5 năm so với điều kiện bình thường. Trong sự dịch chuyển này, các công nghệ mới như (AR, VR, AI, IoT…) đang đóng vài trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm người dùng, giúp việc mua sắm trở nên thuận tiện, nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Thương hiệu trang sức Kendra Scott đã vượt qua khủng hoảng bằng cách thu hút khách hàng với một loạt sự kiện kỹ thuật số và các sáng kiến mua sắm.

Thương hiệu trang sức Kendra Scott
đã vượt qua khủng hoảng bằng cách
thu hút khách hàng với một loạt sự kiện
kỹ thuật số và các sáng kiến mua sắm.

Thử ảo trước khi mua

Theo khảo sát toàn cầu của Neilsen, người tiêu dùng đã liệt kê Thực tế ảo (VR) và AR là những công nghệ hàng đầu mà họ mong muốn có để hỗ trợ họ trong cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, 51% số người tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng sử dụng công nghệ này để trải nghiệm và đánh giá sản phẩm. Trong các công nghệ trên thì AR đang được áp dụng ngày càng phổ biến hơn và tạo ra sự thay đổi lớn với ngành bán lẻ ở hiện tại và trong tương lai. Chỉ vài năm trước đây, AR chỉ là một công nghệ “cần có”, nhưng hiện nay đã nhanh chóng trở thành một công nghệ “thiết yếu” cho các nhà bán lẻ trong việc tạo ra những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng.

Các ứng dụng AR đang hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc tạo ra các trải nghiệm ảo “thử trước khi mua”, từ việc xem trước đồ nội thất và sản phẩm trong nhà với thương hiệu IKEA và Home Depot, đến việc thử các mặt hàng thời trang sang trọng như Louis Vuitton, Gucci và cả mặt hàng “bình dân” hơn như thương hiệu trang sức Kendra Scott. Khi dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh, thương hiệu trang sức Kendra Scott của Mỹ đã phải đóng cửa một số các cửa hàng. Nhưng chính điều này đã thúc đẩy công ty thay đổi chiến lược kinh doanh bằng cách ra mắt một công cụ AR cho phép khách hàng thử hầu như các kiểu bông tai khác nhau tại nhà của họ. Thật đơn giản khi khách hàng chỉ cần sử dụng iPhone và trình duyệt web Safari là có thể xem trước các sản phẩm trên tai của họ và quyết định chọn kiểu ưng ý nhất để đặt hàng.

Ứng dụng trong kinh doanh

Trên thực tế, những phản hồi của người tiêu dùng đối với công nghệ AR rất tích cực, điều này làm tiền đề thúc đẩy các thương hiệu dần áp dụng vào trong kinh doanh. Chẳng hạn như công ty thương mại điện tử Shopify gần đây đã công bố các số liệu cho thấy các tương tác với các sản phẩm có nội dung AR đem đến tỷ lệ chuyển đổi mua hàng cao hơn 94% so với các sản phẩm không có AR. Vì vậy, các nhà bán lẻ khác cũng đang bắt đầu sử dụng công nghệ AR để thiết kế lại trải nghiệm mua sắm kỹ thuật số cho khách hàng với các cửa hàng ảo.

Vào tháng 5/2020, nhà bán lẻ Kohl’s đã hợp tác với Snapchat để tạo ra cửa hàng ảo “Kohl’s AR Virtual Closet”.

Cửa hàng này cho phép khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh và ứng dụng Snapchat ở bất kỳ đâu để bước vào phòng thay đồ AR, kết hợp các mặt hàng thời trang với nhau để tạo ra một danh mục các sản phẩm ưng ý và mua hàng mà không cần rời khỏi ứng dụng. Các mặt hàng có sẵn để mua trong Kohl’s AR Virtual Closet được cập nhật liên tục dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng với các bộ sưu tập theo mùa và theo các phong cách thời trang khác nhau. Một thương hiệu nổi tiếng khác trong làng thời trang thế giới áp dụng công nghệ AR đó là Levi’s. Công ty đang tiếp tục bổ sung cho chiến lược bán lẻ AR của mình bằng các công cụ kỹ thuật số như Squad, một ứng dụng video trực tuyến cùng xem, nơi bạn bè có thể mua sắm cùng nhau.

Bán ảo trong môi trường ảo

Giai đoạn phát triển tiếp theo của ngành bán lẻ - có sử dụng công nghệ AR - đó là giai đoạn bán các sản phẩm ảo trong môi trường ảo. Khách hàng có thể mua các vật thể ảo, chẳng hạn như đồ trang sức, quần áo hoặc tác phẩm nghệ thuật. Xu hướng dịch chuyển này đang tạo ra một lĩnh vực mới nổi khác trong mua sắm kỹ thuật số và bán lẻ, đó là hàng hóa ảo được bán như hàng hóa vật lý thông thường. Ngay cả Louis Vuitton cũng đã và đang bán các sản phẩm ảo như “digital skins” (quần áo và phụ kiện hàng hiệu để mặc cho nhân vật) trong trò chơi thể thao điện tử League of Legends. Theo một báo cáo công bố trên trang Statista.com, thì chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm ảo trên toàn thế giới vào năm 2017 là khoảng 30 tỷ USD và được dự đoán sẽ đạt 50 tỷ USD vào năm 2022.

Mặc dù dịch COVID đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhưng lại là chất xúc tác giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào nắm bắt được xu hướng tốt và chủ động chuyển đổi mô hình, từng bước áp dụng công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh, sẽ giành lợi thế lớn trong và sau đại dịch. Ngành bán lẻ thực tế phải chuyển đổi mô hình để đáp ứng với nhu cầu mới, trạng thái “bình thường mới” và AR đã chứng minh rằng nó có thể mang lại giá trị to lớn cho người tiêu dùng trong hành trình mua sắm. Đây chính là thời điểm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ cần thay đổi tư duy về mô hình bán lẻ mới, mà còn cần thúc đẩy việc áp dụng công nghệ AR để tạo những trải nghiệm mua sắm mới trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Đòn bẩy” bán lẻ từ AR
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO