Đòn bẩy công nghệ giúp giảm gánh nặng logistics

Doanh nhân 17/02/2018 06:10

Hiện đại hóa dịch vụ logistics sẽ giúp doanh nghiệp trở nên năng động và cạnh tranh hơn.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Công ty cổ phần iFreight, đơn vị tiên phong áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho ngành logistics cho rằng, cần nhiều đột phá hơn về logistics để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

- Được biết trước khi ra mắt iFreight, anh đã từng làm trong ngành logistics. Theo anh, đâu là những hạn chế lớn nhất của logistics Việt Nam?

Ngành logistics Việt Nam tuy đã chứng kiến nhiều sự phát triển trong những năm qua, tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tôi có thể kể ra một vài hạn chế lớn như sau:

Cơ sở hạ tầng chưa phát triển đúng mức và thiếu đồng bộ. Hạ tầng giao thông của chúng ta còn yếu, chưa đáp ứng kịp với nhu cầu hiện nay. Các cảng biển nước ta hầu hết đều rất nhỏ và công suất vẫn còn thấp; số lượng cảng quốc tế còn rất ít với khoảng 20 địa chỉ. Về đường bộ thì nước ta có mạng lưới đường bộ rộng khắp với hơn 256.000 km, nhưng mặt đường hẹp và chất lượng chưa đồng đều. Kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, yếu kém so với khu vực và thế giới. Sự kết nối giữa các cảng biển, hệ thống đường bộ và đường sắt vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu đồng bộ.

Chất lượng dịch vụ logistics chưa cao và thiếu tính chuyên nghiệp. Lý do chính là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng được đào tạo bài bản về logistics. Số lượng các trường đại học có đào tạo chuyên sâu về logistics rất ít, đa số nhân viên trong các doanh nghiệp dịch vụ logistics đều phải tự đào tạo và tự học hỏi kinh nghiệm qua thực tế công việc.

Môi trường pháp lý và thủ tục hải quan còn rườm rà, phức tạp, mặc dù trong những năm qua Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản hóa và hiện đại hóa khâu thủ tục hải quan, điển hình là hệ thống khai báo hải quan điện tử VNACSS/VCIS.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng công nghệ vào hoạt động logistics. Trên thế giới và ở Việt Nam, xu hướng công nghệ đang ngày càng trở nên thiết yếu trong tất cả các ngành và logistics cũng không ngoại lệ. Trong khi ngành logistics thế giới đang bùng nổ xu hướng áp dụng công nghệ thì hầu hết các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn “cần mẫn” làm việc theo cách thủ công qua điện thoại, email, fax… vốn không hiệu quả về mặt thời gian và chi phí.

- Chi phí logistics của Việt Nam đang chiếm đến 25% GDP (so với Thái Lan 19%; Malaysia 13%, Singapore 8%...). Theo anh, để kéo chi phí này giảm xuống, doanh nghiệp cần có những điều kiện cần thiết nào?

Như tôi đã chia sẻ ở trên, ngành logistics Việt Nam vẫn còn hạn chế về nhiều mặt. Để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí của logistics Việt Nam, chúng ta cần sự chung tay của nhiều ban/ngành quản lý nhà Nước và bản thân doanh nghiệp cần nỗ lực hiện đại hóa hoạt động logistics của mình.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa hơn nữa thủ tục hải quan, giúp cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Về nhân sự, doanh nghiệp nên đầu tư vào việc đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu công việc thực tiễn. Ngoài ra, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như bản thân doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần nhanh nhạy áp dụng CNTT để hiện đại hóa hoạt động logistics của mình.

- Nhiều người cho rằng, sân chơi logistics đang thuộc về các công ty đa quốc gia. Anh nghĩ sao về điều này?

Điều này không sai nếu nhìn vào thực tiễn thời điểm hiện tại. Phải thừa nhận rằng, sân chơi logistics đang thuộc về tay các “ông lớn”. Thực tế đáng buồn là các doanh nghiệp ngoại chỉ chiếm khoảng 2-3% về số lượng, nhưng lại chiếm tới 75% thị phần, trong khi đó hơn 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chỉ chiếm khoảng 25% thị phần và đa số chỉ hoạt động trong một phân khúc nhỏ của ngành như: dịch vụ giao nhận hàng hóa, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ...

Hơn nữa, doanh nghiệp logistics Việt Nam bị hạn chế về quy mô và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng CNTT, trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. Do đó việc bị thua thiệt ngay trên sân nhà là điều khó tránh.

Tuy nhiên, tôi rất tin tưởng rằng, trong tương lai gần chúng ta có đủ năng lực để chia lại “miếng bánh” logistics có giá trị lên tới 37- 40 tỷ USD này, không chỉ riêng tại Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.

- Với tư cách là doanh nghiệp và là người làm trong ngành kinh doanh logistics, anh nghĩ doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải chủ động, tập trung thay đổi những điều gì để cạnh tranh trong giai đoạn này?

Theo tôi, có 2 yếu tố doanh nghiệp logistics Việt Nam cần tập trung để nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay. Thứ nhất là nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên thông qua các chương trình đào tạo để mang đến sự chuyên nghiệp và hiệu quả cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ đặt niềm tin nhiều hơn vào việc thuê dịch vụ logistics. Thứ hai là phải áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động logistics của mình, giúp cắt giảm thời gian và chi phí cho khách hàng và cả bản thân doanh nghiệp.

Anh đã ấp ủ và tiên phong cho ra đời iFreight trong thời gian bao lâu? Có thể cho biết chi phí đầu tư của iFreight đến giai đoạn này?
Tôi đã ấp ủ ý tưởng phát triển giải pháp công nghệ iFreight từ lâu và chúng tôi đã mất hơn 2 năm để phát triển thành công hệ thống này. Là người tiên phong không bao giờ là đơn giản và chúng tôi cũng đã gặp không ít trở ngại để có thể phát triển thành công hệ thống như hôm nay. Về chi phí đầu tư thì tôi không thể tiết lộ con số cụ thể. Tôi chỉ xin phép được chia sẻ chi phí đã bỏ ra là rất lớn để phát triển được một giải pháp công nghệ cho ngành logistics đặc thù khá phức tạp này.

- Từ lúc ra đời cho đến nay, iFreight có được bao nhiêu doanh nghiệp đón nhận sử dụng?

iFreight phát triển nhiều giải pháp bao gồm tra cứu và so sánh giá cước vận tải quốc tế, quản lý đơn hàng trực tuyến, báo cáo thống kê, cập nhật tiến trình đơn hàng qua SMS. Chỉ riêng tính năng tra cứu và so sánh cước, mỗi ngày đã có hơn 1.200 doanh nghiệp xuất nhập khẩu truy cập vào hệ thống để sử dụng giải pháp này.

- Vì sao iFreight chỉ mới triển khai qua web, Android, chưa có trên iOS?

Chúng tôi phát triển cả 3 nền tảng, trên Web, Android và iOS. Chúng tôi đã cho ra mắt nền tảng Web, Android và sẽ ra mắt trên iOS trong đầu quý II/2018.

Theo một báo cáo của Đại học Ngoại thương, các công nghệ được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất bao gồm: điện thoại/tin nhắn SMS (49%), thư điện tử/fax, website, mạng nội bộ, mã số mã vạch. ... Ông có nghĩ việc này sẽ mang lại tiềm năng khi ứng dụng CNTT cho doanh nghiệp trong logistics.

Đúng vậy, theo kinh nghiệm của tôi từ thực tiễn làm việc nhiều năm trong ngành, việc áp dụng CNTT trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, đi sau thế giới vài chục năm. Việt Nam đang chuyển mình để bắt kịp làn sóng cách mạng công nghệ và những năm gần đây, chúng ta đang chứng kiến những start-up về giải pháp ứng dụng công nghệ trong tất cả mọi ngành nghề. Do đó, tôi rất tin tưởng rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm nhận ra được tầm quan trọng của “đòn bẩy công nghệ” và ứng dụng triệt để công nghệ vào hoạt động logistics của mình.

- Kế hoạch sắp tới của iFreight ra sao để doanh nghiệp có thể tin tưởng và sử dụng CNTT nhiều hơn? Đâu là những thách thức của iFreight mà anh có thể nhìn thấy được?

Trên thực tế, các giải pháp công nghệ như tra cứu, đặt chỗ, quản lý tiến độ đã khá quen thuộc với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhưng việc ứng dụng vào lĩnh vực đặc thù như vận chuyển thì chưa cao và cần nhiều thời gian để thay đổi và thích ứng.

Chính vì vậy, việc thuyết phục các doanh nghiệp thay đổi nhận thức, chấp nhận và sử dụng công nghệ của mình là một thách thức không nhỏ đối với iFreight và toàn bộ đội ngũ. Tuy nhiên, một điều may mắn mang tính thời điểm là hiện tại cách mạng công nghệ đang thực sự bùng nổ và có tác động sâu rộng đến nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Điển hình là cuộc chiến đang rất “nóng” trong ngành taxi. Dù sớm hay muộn, tôi nghĩ chúng ta rồi sẽ phải thay đổi. Điều đó là tất yếu.

Trong tương lai gần, iFreight sẽ phát triển nhiều giải pháp công nghệ mang lại những thay đổi đột phá hơn nữa trong ngành logistics. Nhưng trên hết, iFreight luôn đề cao nguyên tắc “lấy khách hàng làm trọng tâm”. Chúng tôi luôn luôn lắng nghe mong muốn của doanh nghiệp, phục vụ đúng nhu cầu của khách hàng và toàn bộ đội ngũ tập trung phát triển các giải pháp thiết thực, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng.

Để hiện thực hóa nguyên tắc này, chúng tôi rất chú trọng vào việc xây dựng hệ thống “hành trình trải nghiệm khách hàng” trên tất cả các phương diện, đặc biệt là dịch vụ và hệ thống. Về dịch vụ, điều này liên quan đến con người, phải cần cả một quá trình. Nhưng đối với hệ thống, cụ thể là nền tảng công nghệ, chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để phát triển các tính năng chuyên biệt, tiện lợi, hiệu quả nhằm đảm bảo mục tiêu nhanh hơn, nhiều hơn, dễ dàng hơn và an toàn hơn cho khách hàng.

Xin cảm ơn anh! 

Bước phát triển của iFreight

iFreight là hệ thống booking logistics trực tuyến do Công ty cổ phần iFreight chính thức giới thiệu tại thị trường Việt Nam hôm 26/12/2017. Hệ thống này có khả năng tối ưu hóa các hoạt động logistics, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, có đầy đủ thông tin, so sánh, kiểm soát giá cả, theo dõi đơn hàng và hạn chế rủi ro trong rất nhiều công đoạn của logistics…

Cát Nguyện

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đòn bẩy công nghệ giúp giảm gánh nặng logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO