Chủ động đón sóng EVFTA, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã sớm lên kế hoạch "mở đường" cung cấp dịch vụ logistics toàn diện sang Châu Âu.
Theo đó, với việc Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã được ký kết vào ngày 30/6/2019 vừa qua tại Hà Nội thì gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu với một lộ trình tương đối ngắn. Điều này được cho rằng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có EVFTA.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh “Vận tải biển là lĩnh vực dịch vụ do mở cửa với các nhà vận tải đến từ châu Âu sẽ gặp thêm sự cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước nhưng cũng có các tác động tích cực dù gián tiếp từ EVFTA. Với cam kết trong EVFTA - Hiệp định Tự do thương mại thế hệ mới - thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thuộc EU được dự báo sẽ tăng lên đáng kể. Trong khi đó, có tới 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam qua đường biển. Điều này kéo theo tỷ trọng hàng hóa các tuyến vận tải biển Bắc - Nam và Đông - Tây chắc chắn gia tăng. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh nghiên cứu chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa sang thị trường tiềm năng này”.
Cũng theo Ông Tĩnh “trong chiến lược phát triển giai đoạn chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, VIMC sẽ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng nhằm phát huy lợi điểm của nhà cung cấp ba lĩnh vực hàng đầu là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ logistics nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh”.
Có thể bạn quan tâm
10:38, 05/05/2019
15:10, 26/07/2019
09:53, 23/07/2019
Được biết, trong buổi làm việc mới đây với VIMC, ông Anar Imanov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Azerbaijan tại Việt Nam đã đề nghị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam phối hợp, nghiên cứu đưa hàng hóa của Việt Nam sang Châu Âu. Theo đề xuất này thì phía A-déc-bai-gian có thể vận chuyển hỗn hợp đường biển - đường sắt từ các cảng của Việt Nam qua cảng biển Bander-Abbas (Iran)-Teheran- Bacu (Azerbaijan)-Tbilisi (Gruzia) - đi tiếp Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu. Ngoài ra, cũng có thể vận chuyển hỗn hợp đường sắt-phà từ ga Yên Viên đi qua Trung Quốc qua Ca-dắc-stan rồi phà theo tuyến vận tải xuyên Caspian tới Bacu/Tbilisi rồi đi tiếp Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu. Hiện hai bên VIMC và Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam cũng đang duy trì thông tin qua lại về một số vấn đề về thuế quan và năng lực của hệ thống đường sắt khu vực.
Đối với hoạt động logistics giữa Việt Nam và EU thì Cộng hoà Azerbaijan được đánh giá là có vị trí quan trọng khi là quốc gia nằm trong vùng Kavkaz ở Âu Á. Nằm trên ngã tư đường giữa Đông Âu và Tây Á, Azerbaijan có lợi thế giáp với Biển Caspia ở phía Đông, Nga ở phía Bắc, Gruzia ở phía Tây bắc, Armenia ở phía tây và Iran ở phía Nam. Đặc biệt, Azerbaijan hiện là thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 2006 và có nền kinh tế rất năng động, chủ yếu nhờ dầu khí với nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp như chế tạo máy, dầu mỏ, lọc dầu, các sản phẩm dệt may và chế biến hóa chất,... thì đây sẽ được coi là “cánh cửa rộng” của VIMC đưa hàng hóa Việt Nam vào EU.
Ông Mai Lê Lợi, Tổng Giám đốc CTCP Vinalines Logistics, một công ty con của VIMC nhấn mạnh: “Cách đây một năm Vinalines Logistics đã tổ chức tuyến dịch vụ vận chuyển container từ Yên Viên qua Trung Quốc, Kazakstan, Nga sang Ba Lan. Hàng hóa là linh kiện điện tử và màn hình LV (OLED). Đối với một số mặt hàng như điện tử thì thời gian chuyển và chất lượng trong quá trình vận chuyển là yếu tố chủ hàng rất quan tâm. Đối với hàng điện tử vận chuyển bằng đường sắt đảm bảo được hai yêu cầu này”.