Đó là nhận xét của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc tại hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 4/5 năm 2018, tại Thành Phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp với Dự án năng lực cạnh tranh PCI tổ chức hội thảo Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2017 vùng ĐBSCL và những bài học kinh nghiệm trong quản lý và cải cách, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã đến dự.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định là năm tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Từ định hướng đó, thời gian qua công tác cải cách hành chính đang có sự chuyển biến mạnh mẽ trong từng bộ, ngành, địa phương với việc cắt giảm đến 50% thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp.
“Từ khóa phát triển kinh tế Việt Nam là phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Từ hơn 10 năm trước VCCI đã triển khai PCI, đây thực chất là tiếng nói đo sự hài lòng của khu vực kinh tế tư nhân nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành ở địa phương.
Điều quan trọng của PCI không phải là thứ hạng cao hay thấp mà hơn hết là đánh giá được sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân, thông qua đó các địa phương sẽ lựa chọn được mô hình hay để nhân rộng.
Hiện nay, địa phương xuất sắc nhất cũng chỉ đạt quanh mức 70/100 điểm, như vậy, ta còn đến 30% dư địa để cải thiện, khắc phục điểm yếu trong bộ chỉ số. Để cùng nhau chia sẻ mô hình, kinh nghiệm thì việc tổ chức một hội nghị như thế này là rất cần thiết”, Chủ tịch VCCI nêu định hướng.
Chủ tịch VCCI nhận xét: thời gian qua các địa phương trong vùng đã có nhiều mô hình hay được nhân rộng cả nước như: Cà phê doanh nhân của tỉnh Đồng Tháp, hay mô hình “ngày thứ hai dành cho doanh nghiệp” của Cần Thơ, “Đồng Khởi khởi nghiệp” của tỉnh Bến Tre…Tuy nhiên, theo TS Lộc để thúc đẩy cải thiện PCI thì Đảng ủy các địa phương cần thiết ban hành Nghị quyết về cải thiện PCI. Địa phương nào chưa có Hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh thì cũng cần xúc tiến thành lập để đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương mình.
Đi vào phân tích cụ thể chỉ số PCI trong bức tranh chung của cả nước: ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết:
Thế mạnh truyền thống thời gian qua của vùng ĐBSCL là chất lượng điều hành được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. ĐBSCL luôn là vùng có số tỉnh nằm trong top 10 PCI cao nhất trong các vùng. Cụ thể, trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất qua điều tra PCI 2017, có tới 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ). Vùng ĐBSCL luôn là nơi có điểm số trung bình PCI cao nhất trong 6 vùng trên cả nước liên tục từ năm 2014 trở lại đây.
ĐBSCL đã xác lập được hình ảnh chính quyền thân thiện nhất, là nơi ý kiến cộng đồng doanh nghiệp được lắng nghe nhiều nhất, nơi có chất lượng cải cách hành chính tốt nhất, nơi thành lập doanh nghiệp dễ dàng nhất với thời gian làm thủ tục nhanh nhất. Đặc biệt, ĐBSCL còn là khu vực phải chi trả chi phí không chính thức thấp nhất.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý các địa phương trong vùng cũng cần liên kết, hợp tác trong cải thiện chất lượng lao động, nâng cao dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Bà Vũ Kim Chi, Tổ phó Tổ công tác PCI tỉnh Quảng Ninh - quán quân PCI năm 2017 chia sẻ: Từ năm 2015, địa phương đã triển khai thí điểm bộ chỉ số cải thiện năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận huyện (DDCI), đến năm 2016 triển khai rộng rải với tinh thần mạnh dạng trao quyền cho doanh nghiệp. Với quyết tâm tuyên truyền vân động là thay đổi nhận thức và tạo được sự thống nhất vào cuộc của các sở, ban, ngành, quậ huyện từ đó có sự tương tác mạnh mẽ hai chiều giữa chính quyền và doanh nghiệp tạo sự đồng thuận cùng hướng đến mục tiêu cùng nhau phát triển. Nhờ tìm được tiếng nói chung giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cấp chính quyền, Quảng Ninh đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư, đây là kinh nghiệm của địa phương trong cải thiện PCI.
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ cho rằng: Ấn tượng của khu vực ĐBSCL trong cải thiện PCI là đã có nhiều mô hình hay như: cà phê doanh nhân Đồng Tháp, chương trình khởi nghiệp năng động Bến Tre. đối thoại doanh nghiệp của Cần Thơ, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đào tạo của Vĩnh Long, tích cực cải thiện thủ tục hành chính và chi phí không chính thức của các tỉnh Trà Vinh, Long An …nói chung mỗi địa phương đều có cách làm riêng nhưng đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là cải thiện hình ảnh của mình trong mắt doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Lam cũng lưu ý: các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần khắc phục một số vấn đề đang đặt ra, đó là chất lượng điều hành cấp cơ sở còn yếu, tiếp cận đất đai đang trở nên khó khăn hơn, quan hệ thỏa thuận với cán bộ thuế tăng nhanh hơn cả nước, chi phí không chính thức tuy thấp nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao đến 50%, đặc biệt là khi có tranh chấp ra Tòa thì chi phí này còn cao hơn nhiều.