Đóng phí đồng cỏ: Tư tưởng “vua làng”!

Sông Hàn 21/04/2018 10:03

Dư luận vẫn băn khoăn sao trên đời vẫn còn tồn tại những điều lạ kỳ như thế? Để rồi, người nông dân lại phải “cõng” phí “trên trời” chỉ vì tư tưởng của những ông “vua làng”!

Mỗi con trâu, bò ra đồng ăn cỏ phải đóng 100.000 đồng phí cỏ/năm, 300.000 đồng tiền thế chấp. Ảnh: Dân Trí

Mỗi con trâu, bò ra đồng ăn cỏ phải đóng 100.000 đồng phí cỏ/năm, 300.000 đồng tiền thế chấp. Hay máy gặt, máy lồng phải đóng 5 triệu đồng cho hợp tác xã dịch vụ Minh Anh (xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa)… Nếu không nộp, họ sẽ không được sử dụng máy gặt, máy lồng, và không được chăn thả gia súc trên đồng ruộng. Đây chính là những khoản đóng mà người dân nơi đây phải “kêu trời” vì quá vô lý.

Ông Dương Đình Minh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Minh Anh thừa nhận có thu những khoản tiền nói trên, nhưng lại khẳng định khoản thu đã được thông qua một cuộc họp mà 100% người dân đồng ý. Thật lạ, vì nếu 100% người dân đồng ý thì sao bây giờ họ phải phản ánh với truyền thông, báo chí?

Còn nhớ trước đây, ở xứ Thanh cũng xảy ra chuyện tương tự tại xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc. Theo đó, xã, thôn đặt ra hàng chục khoản phí khác nhau để tận thu trên lưng người nông dân. Đến đứa trẻ mới lọt lòng cũng phải cõng phí xây nghĩa trang. Rồi, ở huyện Nông Cống, đến cái giường của người nghèo cũng bị cán bộ xã, thôn đến lôi đi vì chưa nộp đủ thuế, phí..v..v.

Trong những câu chuyện như vậy, nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là sự tồn tại của không ít ông “vua con” cấp xã, phường và sự buông lỏng quản lý của người có trách nhiệm nơi địa phương, lĩnh vực mình phụ trách. Kèm theo đó là hệ thống pháp lý, hệ thống phí và lệ phí của chúng ta chưa đầy đủ, chưa được quy định rõ ràng, chi tiết.

Nhà nước đang quan tâm đến đời sống sản xuất của nông dân bằng chính sách không thu thuế đất sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết của chính phủ ban hành vào ngày 24 tháng 11 năm 2011 có quy định về việc miễn thuế, phí đối với việc sử dụng đất nông nghiệp, theo đó, nhà nước có quy định sẽ miễn các loại thuế về sử dụng đất nông nghiệp, điều này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Nhưng, thực tế trong nông thôn hiện nay có bao khoản phí? Nhiều gia đình làm nông nghiệp vẫn còn phải đóng những loại thuế về việc sử dụng đất nông nghiệp và còn cõng thêm nhiều loại phí khác do xã, thôn tự đề ra.

Và “điệp khúc” dân đã thảo luận, nhất trí đóng nộp thì ở đâu cũng giống nhau, rất đúng quy trình. Chỉ tội, mỗi khi sự việc này, vấn đề nọ được báo chí phản ánh, chất vấn thì lại được “chữa cháy”, hứa hẹn bởi những cụm từ quen thuộc: “Chúng tôi sẽ/đang xem xét”, hoặc “chưa nghe báo cáo”, “xin rút kinh nghiệm sâu sắc”..v..v.

Ở đây, chúng ta thấy, người ta chỉ tìm mọi cách để lấy tiền của dân. Chưa bao giờ và không bao giờ có cái vụ: Dân sai, dân xin lỗi, xin rút kinh nghiệm mà cán bộ bỏ qua cho dân, nhưng cán bộ làm sai thì lại có “dây kinh nghiệm” dài để rút. Vô hình trung, rất nhiều trường hợp cán bộ quản lý dù cấp “bé tí” lộng quyền.

Phải nói rằng, đã rất lâu rồi, không phải là người dân không biết chuyện lộng quyền của một bộ phận quan xã, mà gọi đúng hơn là “vua làng”. Quyền lực của những ông này kinh lắm, thương ai thì người đó được nhờ, còn đã để ý ai thì chắc chắn cá nhân đó phải bị “lên bờ xuống ruộng”.

Xã hội ngày càng phát triển sao lại có những nơi đi ngược lịch sử quay lại thời phong kiến? Không hiểu các ông nghĩ gì mà thu thuế cả trâu bò, gà vịt, tự bỏ tiền mua máy móc về phục vụ nông nghiệp cũng phải mất thêm tiền mới được sử dụng..v..v.

Những việc làm này đã kiềm chế sự phát triển chăn nuôi, kinh tế của bà con nông dân nói riêng, cũng như của địa phương nói chung đã đành. Có điều, dư luận vẫn băn khoăn sao trên đời vẫn còn tồn tại những điều lạ kỳ như thế? Để rồi, người nông dân lại phải “cõng” phí “trên trời” chỉ vì tư tưởng của những ông “vua làng”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đóng phí đồng cỏ: Tư tưởng “vua làng”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO