Cái chết bí ẩn của tàu chở dầu Salem được báo chí thế giới đánh giá là cú lừa đảo lớn nhất thế kỷ 20.
Mặc dù vô cùng giàu có bạc vàng, kim cương…, dầu lửa lại là “gót chân Asin” của cơ thể kinh tế Nam Phi. Bởi có chính sách phân biệt chủng tộc tàn bạo, nước cộng hòa này bị Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cấm vận. Trong bối cảnh đó xảy ra cái chết bí ẩn của tàu chở dầu Salem và được báo chí thế giới đánh giá là cú lừa đảo lớn nhất thế kỷ 20.
Hồi đầu công nguyên, Hoàng đế La Mã Vespasian bị con trai là Titus trách móc: Đánh thuế cả nhà vệ sinh công cộng! Ông ta lấy những đồng tiền thu thuế dí vào mũi con và hỏi: “Có mùi gì không?”, rồi nói sau khi Titus lắc đầu: “Thế mà chúng ở nước đái ra đấy!”.
Câu chuyện bắt đầu từ một kẻ rất tâm đắc châm ngôn “Đồng tiền không mùi” nổi tiếng của vị Hoàng đế La Mã. Đó là Anton Reidel - chủ hãng thương mại (một công ty “ma”) Beets (Thụy Sĩ).
“Tay không bắt giặc”
Một ngày cuối thu, giữa năm 1979, máy bay của Hãng hàng không PanAm đã đưa Reidel vượt Đại Tây Dương đến gặp ông bạn F. Soudan - một người Li-băng, hiện sống tại bang Texas (Mỹ). Reidel không khó khăn gì trong việc thuyết phục Soudan tham gia vào vụ “áp phe” dầu lửa. Người Li-băng rất thông minh. Lí lẽ của gã là: Ai cần dầu, người ấy trả tiền chở dầu!
Lập luận đó cũng lọt tai giới làm ăn ở Nam Phi. Thông qua nhà băng tư nhân ở Johannesburg, họ cho Soudan vay 12,3 triệu USD, thừa thãi để mua một chiếc tàu dầu. Gã nhằm vào hãng hàng hải Pimmerton ở Hồng Kông đang rao bán chiếc tàu dầu khổng lồ Sea Soveren trọng tải 213.928 tấn.
Tàu Sea Soveren, tiền thân của SALEM
Trong có 4 ngày, hợp đồng mua tàu đã được kí kết. Salem là tên mới của con tàu. Sau đó, y đến Zurich (Thụy Sĩ), mò vào văn phòng môi giới để xin mở một công ty hàng hải, đóng trụ sở ở Liberia, với ban giám đốc toàn người bản địa. 24 giờ sau, Soudan được đất nước vốn nổi tiếng rộng rãi về luật đăng kí tàu biển trả lời: “Đồng ý”.
Thế là Hãng hàng hải Oxford của Soudan ra đời. Song các vị “đồng giám đốc” của công ty thì “chết” luôn. Mỗi người bỏ túi một món tiền thưởng hậu hĩnh của tên Li-băng rồi Goodbye! Thực ra đây là những nhân vật giả, hành nghề làm đại diện giả cho các công ty cũng giả.
Xong việc, Soudan xách cặp đến bảo hiểm Lloyd (London). Đấy là thị trường bảo hiểm lớn nhất, có vai vế nhất hoàn cầu. Lần này Soudan xin bảo hiểm tàu Salem với giá gấp đôi giá mua - 24 triệu USD.
Đến đây xuất hiện thêm một nhân vật thứ Ba - Bert Stein, giám đốc hãng Seapomexs cũng “ma” nốt ở Thụy Sĩ. Soudan kí với Stein hợp đồng cho tên đó thuê Salem. Cái ma mãnh của trò này là từ nay nếu Salem có mệnh hệ gì, thì kẻ giơ đầu chịu báng không phải Soudan - một gã có thật, có một chỗ ở cố định - mà là Bert Stein, một kẻ di vô ảnh, quá khứ vô hình vì chẳng có ai nhìn thấy ở đâu, bao giờ, trừ đồng bọn y.
Thế là hình thành một liên minh bịp quốc tế: Công ty thương mại Beets của Reidel, Công ty chủ tàu Oxford của Soudan, và Hãng thuê tàu Seapomexs của Stein.
Cú lừa thế kỷ
Tháng 10 năm 1979, Stein bay tới Athens để chiêu mộ thủy thủ đoàn cho tàu Salem. Ngày nay, Athens thủ đô Hy Lạp đã nổi tiếng khắp thế giới là một tụ điểm của những phần tử bất hảo nhất trong làng biển. Giới thạo công việc trong các quán bia mách y tới gặp N.Mitakis. Hắn đã lập cho Stein bản danh sách 70 người “đáng tin cậy” và đề cử thuyền trưởng là Georgulis – một người Hy Lạp quá khứ mờ ám.
Nhờ tài bôi trơn của Mitakis, hãng buôn Pontoil của Ý đã hợp đồng thuê Salem chở dầu từ Kuwait về Le Havre (Pháp). Hàng được bơm xong ngay đêm đầu tiên. Trước giờ lên đường, một quan chức chính quyền cảng Kuwait đưa cho Georgulis tờ giấy cam đoan in sẵn: Thuyền trưởng Salem bất cứ giá nào sẽ không chở một giọt dầu cho Israel và những đồng minh của nó, nhất là Nam Phi!
Georgulis kí ngay.
Trung tuần tháng Chạp năm 1979, khi những con sóng ấm áp của Ấn Độ Dương xô đẩy hai bên mạn tàu Salem trên đường tới Hảo Vọng Giác, hãng Pontoil, chủ hàng, đã bán lại 196.23tấn dầu thô có bảo hiểm trên Salem cho Consortium dầu Shell nổi tiếng lấy 56 triệu USD.
Ba ngày sau đó, từ hai nơi cách xa nhau hàng vạn cây số, Anton Reidel và Soudan cùng một lúc đáp máy bay tới Sasolburg, sâu trong nội địa Nam Phi. Tại đây, Reidel đưa ra những giấy tờ giả khẳng định dầu trên Salem thuộc quyền sở hữu của y. Biết tỏng là của ăn cắp, song Nam Phi đang cần dầu!
Hai tên đại bịp thỏa thuận với bọn đồng lõa Nam Phi: Reidel sẽ nhận 31.108.500 USD chuyển vào nhà băng Thụy Sĩ, còn Soudan được gạt món nợ cũ - 12,3 triệu USD mua tàu. Từ nay, Salem trở thành sở hữu của riêng Fred Soudan. Hợp đồng kí xong, bọn chúng vù về Thụy Sĩ.
Đêm ngày 27 tháng Chạp năm 1979, Salem bị chữa tên thành “Lema” lặng lẽ cập bến Durban – Cảng lớn của Nam Phi trên bờ Ấn Độ Dương.
Tàu SALEM biến thành LEMA
Và ở Thụy Sĩ, sau khi chắc chắn tiền từ Nam Phi đã chuyển gửi vào nhà băng Credit Suisse, Mitakis mới truyền lệnh qua điện thoại cho thuyền trưởng Georgulis hối hả bơm dầu lên bờ. Ít nhất 150.000 tấn dầu lửa đã chảy vào những kho chứa của “Tổng Công ty dầu lửa quốc gia Nam Phi.”
Xong chợ, kẻ cắp cũng tan. “Lema” lại thành “Salem” tiếp tục hành trình. Riêng có Bert Stein rời bỏ hãng Sipomers và biến.
Hai mươi ngày sau, khi đang đi dọc bờ Senegal, Robert Taylor- thuyền trưởng tàu dầu của Anh British Trident - phát hiện đằng trước hành trình một con tàu dầu bị nạn. Lệnh báo động được phát ra. Không kịp! Salem – chính nó! - đã bị chìm ở độ sâu 4500m nước. Độ sâu mà ngay cả những thiết bị chinh phục chiều sâu đại dương hiện đại nhất cũng… chào thua. Còn lại trên mặt biển là toàn bộ thuyền viên Salem, 24 người, chắc chút trầy da sứt trán, ngồi gọn trên 2 chiếc xuồng cứu sinh. Những kẻ bất hạnh được chở về cảng Dakar.
Hải trình của SALEM
Gần 200.000 tấn dầu bị chìm! Thủ đô của Senegal rúng động. Tổng thống ra lệnh báo động quân đội. Bộ ngoại giao Senegal cuống cuồng gõ cửa tòa đại sứ Pháp đề nghị viện trợ gấp phương tiện và chuyên gia để đấu tranh chống nạn ô nhiễm dầu biển cả. Các nước láng giềng được tin báo cũng lo lây. Dân chúng hoảng hồn khi biết thảm họa này còn khủng khiếp gấp hàng trăm lần trận giặc châu chấu.
Thời gian qua đi. Cả vùng bờ biển phập phồng chờ đợi như ngày hôm trước chiến tranh. Song cứ như để trêu ngươi, một vệt dầu nhỏ, mong manh nổi lên, rồi thản nhiên tan biến trên mặt biển.
Ai đánh chìm tàu salem?
Tàu Salem chết thì cũng là chuyện thường tình. Nhưng thuyền trưởng tàu British Trident sinh lòng ngờ vực. Theo thông báo của Georgulis: Vì một nguyên nhân bí ẩn, Salem bắt đầu bị chìm.
30 giờ sau, khi trong tầm nhìn của British Trident, thì hiệu thính viên của con tàu Anh mới bắt được những tín hiệu S.O.S. rời rạc, hấp tấp như là miễn cưỡng phát đi từ hai chiếc xuồng cứu sinh. Lẽ nào một con tàu dầu hiện đại, máy móc vô tuyến “deluxe” như chiếc Salem lại chậm trễ gọi cấp cứu đến kỳ quặc vậy? Hay là Salem không muốn người ngoài chứng kiến cái chết xấu xa của nó.
Lại nữa, trên hai chiếc xuồng cứu sinh thuyền viên Salem mang theo rất nhiều đồ ăn thức uống, những chiếc vali gói bọc cẩn thận! Trên mặt của họ toát lên một vẻ bình thản, hoàn toàn không thấy thoáng qua nỗi khủng khiếp thường phải có ở các người bị đắm tàu. Thậm chí, vài gã còn nhăn nhở cười trêu ghẹo những người đàn bà Phi Châu trên một chiếc thuyền đánh cá ngang qua!
Thuyền trưởng Georgulis giắt lưng đầy đủ giấy tờ về hàng trên tàu, hồ sơ bắt buộc để đòi tiền đền bảo hiểm, hộ chiếu của tất cả các thủy thủ. Số tiền cầm theo, 47 ngàn USD, hết sức thoải mái để mua vé máy bay cho 24 người về nhà. Thế mà quên mỗi một thứ: Sổ nhật kí tàu! Ngày nay con tàu không đơn thuần bị xem như một thứ “máy móc”.
Nó còn là một chủ thể phức tạp về mặt luật pháp. Sổ Nhật kí tàu được dùng vào nhiều mục đích khác nhau. Trước nhất, nó là chứng cứ trong những tranh cãi về luật động đến con tàu. Khi gặp tai nạn, thuyền trưởng được thừa nhận là người đại diện quyền lợi cho chủ tàu, chủ hàng. Bởi vậy, vật bất ly thân đầu tiên thuyền trưởng phải nhớ mang theo trong vụ đắm tàu là Nhật kí tàu.
Cái “quên” của thuyền trưởng tàu Salem thật khó giải thích.
Chia sẻ với hồ nghi đó, nhà cầm quyền Senegal ra lệnh bắt giam Georgulis. Khi bị chất vấn: Vì sao Salem đi từ Kuwait tới Senegal mất những hơn tháng, trong lúc những tàu tương tự cũng rời Persian cùng ngày mà đã kịp bơm xong dầu ở Cộng hòa Liên bang Đức? Georgulis ấp úng. Song một thuyền viên Salem thú nhận: Salem đã bán dầu cho Nam Phi. Sau đó két dầu của nó đổ toàn nước biển. Georgulis đã mua được sự im lặng đồng lõa của toàn bộ đoàn thuyền viên bằng hàng tập tiền Franc Thụy Sĩ.
Các nhà bảo hiểm Lloyd (Anh) vừa đau vừa ức, vội vàng và đã tìm ra bằng chứng hiển nhiên chứng tỏ thuyền trưởng Salem cố tình đánh chìm tàu để đòi tiền bảo hiểm, Thế nhưng, cho đến bây giờ, chủ nhân đích thực của nó (Fred Soudan) vẫn còn “chê tiền”, chưa thèm đến Lloyd đòi 24 triệu USD bảo hiểm. Hắn thừa thông minh để hiểu: Bới ra chỉ tổ “gậy ông lại đập lưng ông”.
Trụ sở Lloyd ở London
Vụ SALEM trên báo chí
Mùa hè năm 1980, Tòa án London xuống trát bắt giữ 4 người bị buộc tội là “âm mưu thực hiện tội ác tập thể”. Thế nhưng, năm tháng qua đi…
Fred Soudan vẫn sống sung túc ở bang Texas. Anton Reidel chán Rotterdam đã dọn sang Tây Ban Nha. Món tiền “vào cầu” từ vụ Salem đã mở cửa cho Reidel những phòng khách sang trọng nhất trong giới hàng hải nước này.
Georgulis gặp may. Ngày 12 tháng 4 năm 1980, quân đội Liberia đảo chính. Chính phủ mới ban hành lệnh ân xá. Nhờ đó thuyền trưởng Salem thoát được cái vành móng ngựa hứa hẹn ít nhất 25 năm tù. Hắn bị trả về nguyên quán. Chính phủ Hy Lạp có lẽ sợ mất thể hiện, không dám thả vị chuyên gia này ra nước ngoài để lại hành nghề đánh đắm những con tàu bị chủ tàu “ruồng bỏ”, hòng trục lợi tiền bảo hiểm!
Còn Stein vẫn mất hút.