Sau khi cổ phần hóa, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 2 (Dopharma - mã CK: DP2) mải mê với lĩnh vực bất động sản, kết quả là cả hai lĩnh vực của Công ty đều "long đong" khi thua lỗ triền miên.
Kết quả kinh doanh bết bát của Công ty Dược phẩm TW 2 được cho là có nguyên nhân từ việc doanh nghiệp này không chú trọng đầu tư vào ngành nghề chính.
"Mắc kẹt" với đất vàng
Dopharma tiền thân là xưởng sản xuất quân dược, được thành lập năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc. Cuối năm 2004, đơn vị này được cổ phần hóa với vốn điều lệ là 25 tỷ đồng, trong đó Nhà nước, thông qua Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), nắm giữ 51%.
Đến năm 2013, Dopharma thực hiện thoái vốn nhà nước thông qua việc tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Trong giai đoạn 2013 - 2016, vốn điều lệ của Dopharma được giữ ở mức 50 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của Vinapharm giảm xuống còn 25,5%, Công ty CP Đầu tư Tài chính Đất Việt (của doanh nhân Cao Minh Sơn) nắm giữ 48%.
Đến năm 2017, Dopharma tiếp tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty CP Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (của doanh nhân sinh năm 1991 Cao Thủy Tiên). Qua đó, vốn điều lệ của Dopharma đã tăng mạnh lên 200 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Công ty CP Đầu tư Tài chính Đất Việt và Công ty CP Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn chiếm tới 87,5% vốn của Dopharma, trong khi Vinapharm chỉ còn vỏn vẹn chưa tới 7%.
Nhận được nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng của các cổ đông tư nhân, Dopharma đã tham gia góp vốn với các đối tác để khai thác các khu đất đắc địa Công ty được giao quản lý từ thời còn là doanh nghiệp nhà nước.
Cụ thể, theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/HTĐT ngày 28/12/2007 giữa Dopharma và Công ty CP Đầu tư Tài chính Đất Việt, Dopharma đã góp 93,96 tỷ đồng để thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển Bình An (gọi tắt là Bình An) để thực hiện đầu tư dự án BĐS trên khu đất số 9 Trần Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Khu đất số 9 Trần Thánh Tông có diện tích 11.165 m2, trước là nhà xưởng của Dopharma. Thực hiện chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho lập và triển khai một dự án thương mại hỗn hợp tại đây. Tuy vậy, sau đó có chủ trương thu hồi khu đất để thực hiện Dự án Mở rộng Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông.
Trong một báo cáo phát hành vào trung tuần tháng 4/2020, Dopharma cho biết, Dự án liên doanh khai thác lợi thế sử dụng đất tại số 9 Trần Thánh Tông vẫn đang chậm tiến độ do Bộ Quốc phòng xin Thủ tướng Chính phủ khu đất để mở rộng Nhà tang lễ, Công ty chưa hoàn thành việc bàn giao. Phía đối tác đang tích cực tác động nhằm giữ đất hoặc thương thảo đền bù.
Phương án đề ra là xin UBND TP.Hà Nội đổi sang địa điểm đất khác trong nội thành. Việc này đang được UBND TP.Hà Nội xem xét theo đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc cho đổi đất tại quận Long Biên. Lưu ý rằng, DP2 còn vay 93,96 tỷ đồng từ Bình An để rồi rót vốn đầu tư ngược lại vào chính doanh nghiệp này.
Ngoài việc góp gần trăm tỷ đồng vào Bình An, Dopharma cũng ứng trước cho Bình An 48,9 tỷ đồng để trả tiền thuê khu đất số 9 Trần Thánh Tông giai đoạn từ tháng 10/2012 đến 31/12/2015 theo Biên bản bàn giao mặt bằng số 521 ngày 1/10/2013 và Phụ lục 1 số 525 ngày 3/10/2012. Báo cáo tài chính quý I/2020 của Dopharma vẫn ghi nhận khoản phải thu ngót 50 tỷ đồng đối với Bình An.
Bên cạnh đó, việc lấn sân sang lĩnh vực BĐS cũng được thể hiện thông qua tham vọng khai thác khu đất số 43 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) của Dopharma. Đến nay, dù đã bàn giao cho đối tác quản lý và giữ đất, nhưng Công ty vẫn chưa xin được lập dự án tại khu đất này.
Cuộc chơi "đất vàng" của Dopharma còn thể hiện qua loạt dự án địa ốc khác. Tháng 5/2017, Dopharma còn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Phát triển Việt Hiền (Việt Hiền), Công ty TNHH Sản xuất Nhật Minh (Nhật Minh) để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cộng trình nhà ở thấp tầng Đại Mỗ (tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Dự án Trung tâm văn phòng cho thuê tại số 15 Thể Giao (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cả 2 dự án này có tổng vốn đầu tư 170 tỷ đồng. Ngoài ra, Dopharma đã bàn giao cho đối tác quản lý và giữ đất tại số 43 Vĩnh Tuy (Hà Nội) nhưng chưa xin được dự án tại khu đất này.
Tiền thân là xưởng sản xuất quân dược, mảng dược phẩm của DP2 ít nhiều đã để lại tên tuổi trên thị trường. Công ty này được cổ phần hóa từ năm 2004, với quy mô vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng, do Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm - Mã CK: DVN) nắm giữ 51% vốn điều lệ.
Sau nhiều lần tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của DP2 được nâng lên mức 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của DVN đã giảm xuống chỉ còn 6,78%. Trong khi đó, nhóm cổ đông tư nhân là Đất Việt và CTCP Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (Mỹ nghệ Sài Gòn) nắm cổ phần chi phối tại DP2, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 12,37% và 75% vốn điều lệ.
Điệp khúc thua lỗ
Những dấu hiệu kinh doanh sa sút của DP2 thể hiện rõ nét vào năm 2017, khi truyền thông trong nước và mạng xã hội xôn xao trước thông tin CTCP Tư vấn Thiết kế và Dịch vụ đầu tư (Infisco) "tố" Dopharma liên tục lần lữa, không chịu thanh toán khoản công nợ 5,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Dopharma còn phát sinh khoản nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng tại Tổng Công ty Dược Việt Nam - cổ đông lớn hiện nắm giữ 6,78% vốn của Dopharma.
Với khoản lỗ 4,6 tỷ đồng trong Quý 1/2020, số lỗ lũy kế của Dopharma tại ngày 31/3/2020 hiện ở mức 32,13 tỷ đồng. Trước đó, đơn vị kiểm toán đã từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2019 của Dopharma. Trong đó, đơn vị kiểm toán cho biết Dopharma đã ghi tăng khoản thu nhập khác từ khoản tiền nhận hỗ trợ theo biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Phát triển Bình An (Bình An) của công ty cho CTCP Đầu tư tài chính Đất Việt (Đất Việt) để xác định kết quả kinh doanh trong các năm từ 2010 đến 2016, với giá trị 99,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2019, đơn vị kiểm toán vẫn chưa được Dopharma cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
Trong nhiều lần trả lời trên báo chí, ông Lê Tiến Dũng, Tổng giám đốc Dopharma từng chia sẻ, mỗi năm phải trả hơn chục tỷ đồng tiền lãi vay đã “bóp” hết mọi nguồn thu của doanh nghiệp, chứ đừng nói đến việc đầu tư nghiên cứu các loại sản phẩm mới.
Kinh doanh thua lỗ liên tục khiến Dopharma không thể tham gia vào các đợt đấu thầu thuốc quy mô lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới đầu ra. Bên cạnh đó, Công ty cũng không thể vay được ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, việc lượng đầu thuốc được cấp sản xuất quá thấp so với công suất, cũng khiến doanh thu không đủ bù lãi.
Tính tới cuối quý I/2020, tổng vay và nợ thuê tài chính của Dopharma là hơn 114,3 tỷ đồng, trong đó hơn 31,6 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và hơn 82,7 tỷ đồng vay nợ dài hạn. Ngoài ra, trong báo cáo tài chính của Dopharma còn thể hiện doanh nghiệp có khoản phải trả khác gần 120 tỷ đồng, với 93,96 tỷ đồng phải trả dài hạn cho Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Bình An. Đáng chú ý, theo thuyết minh tài chính, đây là khoản vay của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bình An để đầu tư lại vào chính công ty này.
Kết quả kinh doanh bết bát của Dopharma được Ban lãnh đạo Công ty giải thích là do vay nợ và sản lượng đầu thuốc được sản xuất thấp hơn công suất. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể nhìn nhận, một trong nguyên nhân khiến doanh nghiệp tụt dốc là do quá mải mê với đầu tư bất động sản, trong khi buông lơi hoạt động cốt lõi.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 27/11/2019
07:30, 02/08/2019
04:19, 15/06/2019
11:01, 08/05/2019
03:25, 24/02/2019