Chiều tối 10/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc tham vấn lấy ý kiến ĐBQH về một số nội dung quan trọng trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)...
Đây là dự luật đang được kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu, dự kiến thông qua vào kỳ họp 10 (tháng 10-2020).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, thực trạng môi trường Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, chưa theo kịp thực tiễn.
Do đó, cơ quan soạn thảo dự luật do Bộ TN&MT chủ trì đã đưa ra 13 chính sách mới về môi trường với mong muốn xây dựng dự luật thành một đạo luật cơ bản, điều chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến môi trường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, một trong những chính sách mới của dự luật lần này là tập trung siết chặt kiểm soát đối với nhóm dự án gây ô nhiễm môi trường, thay vì “cào bằng” kiểm soát đối với mọi dự án như luật hiện hành.
Theo Bộ trưởng TN&MT, đa phần các dự án đã, đang triển khai tại Việt Nam là các dự án thân thiện với môi trường (chiếm khoảng 80%), chỉ có khoảng 20% dự án còn lại thuộc nhóm gây ô nhiễm.
"Vì vậy, phải phân ra dự án nào thân thiện với môi trường thì trải chiếu xanh, tạo điều kiện cắt bỏ các thủ tục hành chính. Như vậy sẽ không gây ra phiền nhiễu cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước sẽ dành nguồn lực còn hạn chế để tập trung kiểm soát đối với nhóm dự án gây ô nhiễm” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo đó, Bộ TN&MT đã phân loại 17 nhóm dự án để tập trung quản lý, 17 nhóm này có khoảng hơn 300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng gây ra phần lớn ô nhiễm tại Việt Nam.
Bộ trưởng TN&MT khẳng định với cách tiếp cận như vậy, dự luật dự kiến sẽ cắt giảm được hơn 40% thủ tục hành chính ở lĩnh vực môi trường.
“Có ĐBQH hỏi "nếu thế thì buông lỏng quản lý à?". Tôi nói không phải vậy. Bởi vì 40% thủ tục hành chính này là thủ tục từ trước đến nay áp dụng với tất cả các dự án, gồm cả dự án thân thiện với môi trường. Bây giờ các dự án thân thiện không cần phải thủ tục gì, chỉ có dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất là phải làm những thủ tục đó" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích.
Cũng tại hội nghị, các ĐBQH cho rằng, bên cạnh các biện pháp về hành chính, thay đổi công nghệ... dự luật môi trường cần có những quy định để hướng đến sự thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp về môi trường, đặc biệt là xây dựng nếp sống văn hoá, hành xử thân thiện với môi trường. Có như vậy luật mới đi vào cuộc sống, đảm bảo khả năng thực thi.
“Thực chất môi trường là thiên nhiên, ứng xử con người với thiên nhiên chính là văn hoá. Chúng ta có giải pháp công nghệ, hạ tầng tốt bao nhiêu nhưng không tạo ra thói quen, nếp sinh hoạt của con người thì không thể bền vững” – ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu ý kiến.
Vị đại biểu này tiếp tục đưa ra dẫn chứng, đại dịch COVID-19 vừa qua là lời cảnh báo ban đầu về y tế và môi trường. Theo đó ông đề nghị việc giáo dục ý thức, xây dựng văn hoá về môi trường phải là một trong những yếu tố được coi trọng và tiếp cận trong sửa đổi Luật lần này.
Trước đó, tại Báo cáo Công tác bảo vệ môi trường năm 2019, Bộ TN&MT cho biết các nguồn gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, giao thông…
Theo thống kê của Bộ TN&MT cho thấy đến cuối 2019, cả nước có 372 khu công nghiệp được thành lập. Trong đó, có 280 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tăng 29 khu công nghiệp so với 2018 và 92 khu công nghiệp đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, có 698 cụm công nghiệp đang hoạt động (tăng 9 cụm công nghiệp so với năm 2018).
Cũng theo Bộ TN&MT, có khoảng hơn 4.500 làng nghề, trong đó có hơn 2.000 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận (tăng 170 làng so với năm 2018); có 833 đô thị (tăng 20 đô thị so với năm 2018), tỉ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,2%, tăng 0,8% so với năm 2018.
Song song với sự tăng lên về số lượng của các khu, cụm công nghiệp là sự tồn tại của những dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hoá dầu, nhiệt điện, sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; chế biến thuỷ sản, giết mổ gia súc, gia cầm... là những nguồn gây ô nhiễm lớn.
Bộ TN&MT thống kê hiện có trên 5.000 mỏ và điểm khai thác khoáng sản; khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy; 25 nhà máy nhiệt điện than đã vận hành thương mại, với tổng công suất lắp đặt là 18.294 MW; 65 dự án sản xuất gang thép có công suất 100.000 tấn/năm trở lên… cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường lớn.
Bên cạnh đó là nhiều cơ sở có nguồn phát thải lớn như Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, các dự án nhiệt điện tại trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng...
Có thể bạn quan tâm
04:50, 31/05/2020
21:11, 27/12/2019
19:10, 02/10/2019
17:00, 31/10/2017