Dự thảo Luật Cư trú: Quản lý bằng số định danh là tiến bộ

Nguyễn Việt 22/04/2020 18:50

Theo Chủ tịch Quốc hội, người dân khổ sở về sổ hộ khẩu; người nghèo tha phương lên thành phố lao động nhưng con cái không đi học được vì không có sổ hộ khẩu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến về dự thảo Luật Cư trú sửa đổi tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 22/4. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự đổi mới trong dự thảo luật vì xu hướng quản lý bằng số định danh là tiến bộ. Nhiều nước không có sổ hộ khẩu. Đây là bước chuyển quan trọng, ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thì còn giúp Nhà nước ngăn ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đổi mới trong Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bỏ quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để quản lý bằng số định danh.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đổi mới trong Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bỏ quy định về Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để quản lý bằng số định danh.

Góp ý vào dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý dòng dịch chuyển lao động, cư trú trong tình hình mới khác trước rất nhiều nên việc xây dựng luật là thực sự cần thiết. Dự thảo thể hiện nhiều điểm mới trong tư duy quản lý như việc bỏ sổ hộ khẩu để quản lý bằng số định danh cá nhân và nếu làm được là bước tiến.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Quốc hội đề xuất thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao

    13:38, 20/04/2020

  • Khai mạc phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

    11:10, 20/04/2020

  • Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại kì họp thứ 9, QH khóa XIV

    20:16, 02/04/2020

Theo Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh. Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao. Do vậy, Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú; trong đó còn trường hợp có ý kiến khác nhau là: “Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú”.

“Việc bổ sung quy định bốn trường hợp trên để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú, bảo đảm thực hiện nghiêm pháp luật về cư trú của công dân, cũng như hạn chế tác động đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong hộ gia đình có người đi khỏi nơi thường trú lâu ngày không rõ lý do và không rõ hiện nay đang sinh sống ở đâu”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Thẩm tra dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên điểm đáng lưu ý là, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, theo tờ trình của Chính phủ, đến nay mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân. Do đó, đề nghị Cơ quan trình làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi Luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021).

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khi thay đổi phương thức quản lý từ sổ hộ khẩu sang số định danh sẽ tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều quy định về giấy tờ, thủ tục hành chính đang thực hiện nên cần rà soát để đảm bảo phù hợp khả thi, luật ra đời không bị vướng mắc ách tắc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị đánh giá kỹ tác động của việc bỏ sổ hộ khẩu vì liên quan đến nhiều vấn đề luật khác đang điều chỉnh, từ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, cấp phép xây dựng, cho đến báo tử.

Nhấn mạnh thay đổi phương thức quản lý dân cư là chủ trương rất lớn, phù hợp với Chính phủ điện tử, là xu hướng chung của các nước, nhưng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, vấn đề tính sống còn của đạo luật này liên quan trực tiếp đến xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh. Hiện mới có 16 triệu số định danh được cấp, nên chỉ khi nào hoàn thành thì luật mới thực sự có hiệu lực. Cùng với đó là khả năng kết nối hạ tầng công nghệ thông tin, chia sẻ cơ sở dữ liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Cư trú: Quản lý bằng số định danh là tiến bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO