Dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Du lịch vẫn nặng tư duy "xin - cho"

Huyền Trang 21/01/2018 06:08

"Vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế, bất cập, nặng tư duy "xin cho xung quanh Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch"- Đó là góp ý của Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí minh về dự thảo này.

Mới đây, Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mang ra lấy ý kiển rộng rãi trong công luận. Xung quanh câu chuyện này, Diễn Đàn Doanh Nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Vũ, việc soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch là rất cấp thiết bởi lẽ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017 với nhiều quy định mới vừa có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Trong thời gian vừa qua, bên cạnh Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch được đưa ra lấy ý kiến thì còn có Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch cũng đã được soạn thảo và đưa ra lấy ý kiến.

Riêng về Dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật Du lịch (Dự thảo lần 2), Dự thảo này có nhiều nội dung tích cực, quy định chi tiết và làm rõ, hướng dẫn nhiều vấn đề được quy định tại Luật Du lịch 2017 và chưa được hướng dẫn cụ thể tại Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch. Các vấn đề được hướng dẫn đa phần cũng được Luật Du lịch quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn.

Cụ thể Dự thảo Thông tư này điều chỉnh các vấn đề về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế; trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; tiêu chuẩn cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ; khóa cập nhật kiến thức, giấy chứng nhận khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa; giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch và các biểu mẫu, mẫu đơn đề nghị trong lĩnh vực du lịch.

Tuy nhiên, xung quanh dự thảo vẫn còn những điểm chồng chéo, bất cập, nặng tư duy "xin-cho".

Vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế, bất cập, nặng tư duy kiểu xin cho xung quanh dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng xung quanh dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế, bất cập nặng tư duy kiểu xin-cho.

Ông có nói đến tư duy "xin - cho" với những quy định không rõ ràng. Ông có thể nói rõ hơn về nhận định này?

Về một số quy định cụ thể, quy định liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch chưa được rõ ràng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định: “Tổng cục Du lịch lựa chọn các cơ sở đào tạo đủ năng lực để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế”. “Lựa chọn” ở đây là như thế nào, lựa chọn trên cơ sở đăng ký, đề nghị của cơ sở đào tạo hay Tổng cục Du lịch tự lựa chọn, làm sao việc lựa chọn này có đảm bảo sự khách quan, công bằng? Mặc dù khoản 2 Điều 5 Dự thảo Thông tư có quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ điều hành du lịch nhưng khoản 3 lại quy định: “Cơ sở đào tạo có nhu cầu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ điều hành du lịch gửi công văn đề nghị về Tổng cục Du lịch kèm theo bản thuyết minh về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tổng cục Du lịch xem xét, trả lời bằng văn bản”.

Quy định tại khoản 3 Điều 5 nặng tuy duy quản lý theo kiểu xin – cho bởi lẽ dù cơ sở đào tạo có nộp hồ sơ đúng quy định đi nữa thì cũng không biết việc xem xét, trả lời của cơ quan cấp phép là như thế nào. Cần phải quy định rõ nếu cơ sở đào tạo đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định thì phải được “cấp phép”; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Về các điều kiện, tiêu chí kinh doanh dịch vụ du lịch khác (Điều 8 – Điều 12 của Dự thảo), có quy định về điều kiện phải “nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng” là không khả thi và không hợp lý. Phương thức thanh toán sẽ do các bên thỏa thuận, tùy theo điều kiện kinh doanh của cơ sở kinh doanh mà có trang bị thiết bị nhận thanh toán qua thẻ tín dụng hay không, pháp luật không nên quy định điều kiện bắt buộc và cứng nhắc như vậy. Điều 9 Dự thảo cũng quy định một trong các tiêu chuẩn của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là “có ít nhất 50 chỗ ngồi”, điều kiện này rất chủ quan, vì sao là con số 50 mà không phải là con số khác, hơn nữa chỗ ngồi không phản ánh được chất lượng dịch vụ. Việc phân bổ, sắp xếp chỗ ngồi phụ thuộc vào tình hình kinh doanh cụ thể của cơ sở kinh doanh như điều kiện về mặt bằng, cách bày trí… không nên áp đặt phải có tối thiểu 50 chỗ ngồi. Các quy định này nên được xem xét bỏ khỏi Dự thảo hoặc quy định hợp lý hơn.

Về cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra ngoại ngữ, theo Điều 14 Dự thảo, tương tự như đối với trường hợp cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ điều hành du lịch như đã nêu trên, Dự thảo trao quyền cho Tổng cục Du lịch chọn; cơ sở đào tạo có nhu cầu tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ sử dụng thành thạo ngoại ngữ gửi công văn đề nghị về Tổng cục Du lịch và Tổng cục Du lịch “xem xét, trả lời bằng văn bản” là chưa đủ rõ ràng. Phải quy định rõ nếu cơ sở đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì phải được cấp phép. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra ngoại ngữ quy định tại khoản 2 Điều 14 cũng chưa phù hợp với các luật liên quan. Chẳng hạn, tiêu chí về “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học”, trong khi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học không có quy định để xác định tiêu chí này.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 59 Luật Du lịch chỉ trao quyền cho Bộ trưởng quy định về “tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ” chứ không trao quyền về quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Do đó, việc hướng dẫn chi tiết vấn đề này cần phải xem xét tren cơ sở phù hợp với quy định của Luật Du lịch và luật khác liên quan.

Xin ông hãy cho biết tác động của dự thảo, nếu như dự thảo này đi vào thực tế cuộc sống?

Tôi khẳng định Việc ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Du lịch là cần thiết vì Luật Du lịch 2017 đã có hiệu lực từ 1/1/2018. Các văn bản hướng dẫn này sẽ có những tác động tích cực trong việc áp dụng Luật Du lịch mới, làm rõ thêm nhiều vấn đề mà Luật Du lịch chưa quy định và phân quyền cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn. Các văn bản hướng dẫn này sẽ góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, cụ thể hóa một số quy định của Luật Du lịch.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, Dự thảo phải khắc phục được những thiếu sót trước khi ban hành và áp dụng. Nếu vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như vậy thì sẽ gây ra những tác động tiêu cực và hệ lụy, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành này.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Du lịch vẫn nặng tư duy "xin - cho"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO