63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ mùng 7 đến 14/2.
>>“Đưa học sinh trở lại trường không nên phụ thuộc vào việc tiêm cho học sinh”
Thông tin từ Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, đã có những chỉ đạo ráo riết cho việc đi học trở lại. Theo đó, thông tin cập nhật về mở cửa trường học cụ thể như sau. 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2/2022.
63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ mùng 7 đến ngày 14/2/2022. 60/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh bậc mầm non, tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2, tháng 3.
Nơi còn lại là thủ đô Hà Nội, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch đưa học sinh quay lại trường học nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể. Ngay sau Tết, Bộ Giáo dục - đào tạo có kế hoạch kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi...
Theo đánh giá của ngành Y tế, đến nay, các điều kiện về tiêm vaccine cộng đồng cho học sinh từ 12 tuổi trở lên, điều kiện phòng chống dịch của địa phương và từng người dân đã đủ để có quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh trở lại trường.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo đưa học sinh nhanh chóng quay trở lại trường học trong thời gian tới. Do đó, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đề nghị lãnh đạo các địa phương kiên quyết chỉ đạo và Sở GD&ĐT chuẩn bị chu đáo để đưa học sinh trở lại trường.
Việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp sau Tết là một yêu cầu, trong đó đối với cấp mầm non, tiểu học cần nhanh chóng chuẩn bị về tư tưởng, tinh thần cho phụ huynh, học sinh.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Bệnh viện Nhi T.Ư, việc cho trẻ trở lại trường sẽ an toàn khi thực hiện đúng thông điệp “5K”-giải pháp phòng ngừa cơ bản ngăn chặn phát tán và lây lan virus.
Khi trẻ đi học trở lại vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Phụ huynh cần đảm bảo tất cả thành viên trong gia đình đều được tiêm chủng đầy đủ; nắm được các thông tin về quy định ứng phó với dịch tại trường học của con em mình.
Chuẩn bị tâm lý, hướng dẫn dự phòng 5K cẩn thận. Nếu học sinh có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc nếu phát hiện con tiếp xúc với người mắc COVID-19, cha mẹ giữ con ở nhà tự cách ly.
Nếu con có các triệu chứng mắc COVID-19 ở trường, cha mẹ theo dõi các triệu chứng và thực hiện theo khuyến cáo của y tế địa phương. Trường hợp trẻ bị hen suyễn, béo phì, tiểu đường và các bệnh nền khác vẫn có thể đến trường tuy nhiên còn phụ thuộc tình trạng hiện tại của trẻ, tiêm chủng, các biện pháp an toàn ở trường và tình hình COVID-19 trong cộng đồng nơi sinh sống.
Chia sẻ về việc nhiều người đặt câu hỏi: "Bao giờ mới an toàn trở lại"? Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, thực tế hiện nay, chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất chứ không phải an toàn tuyệt đối.
“Và đây thực sự là thời điểm phù hợp để đưa học sinh trở lại trường học bởi nếu kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại. Phải lo cho trẻ em đi học trở lại, nếu không chúng ta có lỗi", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế cũng ủng hộ chủ trương mở cửa trường học, bởi việc học trực tuyến lâu dài rất ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng học tập của giáo viên, học sinh sinh viên.
“Nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ, nếu có lây lan trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Do đó cần thiết phải mở cửa trở lại, không để học online quá lâu dài”, ông Nga bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga đánh giá, với giai đoạn hiện nay, việc cho trẻ em đi học là rất cần thiết, chính quyền, nhà trường và gia đình không nên quá lo lắng. Các cấp chính quyền nên có những quyết định sáng tạo, quyết đoán để trẻ đi học.
Ngoài ra, chính quyền và nhà trường, cha mẹ cũng nên phối hợp để hoạt động dạy và học được thông suốt, tránh tình trạng hôm trước cho trẻ đi học, hôm sau có dịch lại đóng cửa luôn. Hiện nhiều địa phương chỉ khoanh vùng, cách ly trong phạm vi lớp học hoặc trường học có ca nhiễm.
Khẳng định nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình, theo kết luận mà Hoa Kỳ có được từ báo cáo tổng quan nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới về mở cửa trường học, PGS.TS Nguyễn Huy Nga đưa ra thêm căn cứ về tỉ lệ bao phủ vaccine toàn dân để khuyến nghị các địa phương nên mở cửa trường học.
Đó là, Việt Nam hiện là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 lớn trên thế giới, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo. Việt Nam đã tiêm được hơn 172 triệu liều, tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người 18 tuổi trở lên đạt 100% và tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản hơn 94% và tỉ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1%.
"Tỉ lệ tiêm vaccine cao, ý thức phòng dịch của người dân đã tốt hơn trước là những cơ sở quan trọng để cho học sinh trở lại trường", ông Nga khẳng định.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thanh Đề, ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19. Sau thời gian thí điểm cho học sinh trở lại trường ở một số địa phương, có thể thấy tỉ lệ lây nhiễm tại trường học rất thấp.
Chẳng hạn, tại TP.HCM là địa phương bùng phát dịch mạnh nhất thời gian trước, sau thời gian thí điểm học trực tiếp, chỉ có 130 ca mắc COVID-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỉ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%.
Trong khi đó, số học sinh và giáo viên được tiêm vaccine hiện đạt tỉ lệ khá cao. Mũi 1 cho trẻ 12-17 tuổi đạt hơn 90%; mũi 2 đạt 72,2%; Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 đạt 82%; mũi 3 đạt 28,2%.
Đây là những căn cứ thực tiễn để đưa ra quyết định cho học sinh trở lại trường, đặc biệt là lứa tuổi từ 12 trở lên.
Có thể bạn quan tâm
18:40, 28/01/2022
17:19, 24/01/2022
23:33, 24/12/2021
20:17, 21/12/2021
20:15, 15/12/2021