Công ty cổ phần Chè Sông Lô đã đưa năng suất vườn chè và giá trị sản phẩm chè tăng cao, từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của tỉnh Tuyên Quang.
Ông Ngô Đức Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Sông Lô cho biết, cây chè là một trong những cây trồng trọng điểm có giá trị kinh tế cao của tỉnh Tuyên Quang, là cây trồng chiếm diện tích lớn thứ 2 sau cây lương thực.
Tập trung phát triển vùng nguyên liệu
Sản phẩm chè khô là sản phẩm mang tính hàng hóa cao phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu và một phần sử dụng cho tiêu dùng nội địa. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm chè, Công ty đã chủ động hoàn toàn nguồn chè nguyên liệu búp tươi đáp ứng cho nhà máy. Hiện Công ty đang quản lý 483 ha chè và 530 ha vùng nguyên liệu liên kết sản xuất với các hộ dân. Giá thu mua chè nguyên liệu của công ty luôn ở mức cao, tạo điều kiện cho người trồng chè nâng cao thu nhập và tăng khả năng đầu tư, chăm sóc nâng cao năng suất cây chè.
Để nâng cao năng suất, Công ty đang thực hiện dự án đầu tư trồng lại toàn bộ diện tích với những giống chè mới có chất lượng, năng suất đạt từ 30 - 35 tấn búp tươi/ha/năm, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến như PH 11, PH1.... Từ năm 2013 đến hết năm 2017, Công ty đã trồng lại được 100 ha chè, bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động, Công ty đã đưa máy móc thiết bị vào sản xuất để thay thế lao động chân tay như trong sản xuất nông nghiệp đã sử dụng máy hái chè, máy đốn chè, máy phun thuốc BVTV, máy làm cỏ ... Công ty cũng đã áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm chè nhằm tăng giá trị chè xuất khẩu.
Đầu tư xây dựng thương hiệu
Để cho ra đời những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, Công ty đã không ngừng đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị. Nhà máy chế biến chè của Công ty được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2000 và vệ sinh anh toàn thực phẩm HACCP. Hệ thống máy vò chè của Liên Xô trước đây đã được Công ty thay thế bằng hệ thống máy vò hiện đại của Srilanka, nhờ đó rút ngắn được thời gian vò chè, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm điện tiêu thụ, từ đó rút ngắn thời gian tạo ra sản phẩm. Hiện nay công suất của nhà máy đạt 120 tấn chè búp tươi/ngày. Công ty cũng đã đã sử dụng các hệ thống băng tải, hệ thống cẩu, máy đảo chè héo, máy thu chè héo... đầu tư máy xào chè, 2 máy đóng túi chân không, 12 máy sao tạo hình nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2017, Công ty đã sản xuất và thu mua 7.500 tấn chè búp tươi, sản xuất 1.600 tấn chè đen, chè xanh các loại. Các sản phẩm chè đen xuất khẩu của công ty với chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: các nước Trung Đông, Indonexia, Anh, Nga...
Theo ông Tú trong thời gian tới, Công ty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư trồng mới, trồng lại toàn bộ diện tích chè đã già cỗi, năng suất chất lượng thấp bằng những giống chè mới có năng xuất cao, chất lượng tốt, với kế hoạch năm 2018 trồng 18 ha, năm 2019 là 40 ha... Để phát triển chè bền vững tập trung theo hướng tăng năng suất và chất lượng, sản xuất chè theo hướng hữu cơ, cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, Công ty tiếp tục nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm mới, có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Công ty cũng tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường, góp phần xây dựng thành công thương hiệu chè Tuyên Quang trên thị trường trong nước và quốc tế.