Khổ sở người dân chịu, tiền thuế, phí người dân vẫn đóng, nhưng đến khi chính quyền, doanh nghiệp làm không xong thì lại muốn người dân “chia sẻ”.
Để giải quyết rác thải ùn ứ, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa phát công văn hỏa tốc, yêu cầu hai nhà máy xử lý rác thải Lilama (huyện Bình Sơn) và MD (huyện Đức Phổ) tiếp nhận và xử lý rác thải ở TP Quảng Ngãi đã bị ùn ứ 5 ngày qua.
Đồng thời, ra công văn hỏa tốc yêu cầu UBND TP Quảng Ngãi khẩn cấp chuẩn bị mặt bằng tại bãi rác Đồng Nà (xã Tịnh Thiện, Quảng Ngãi) để lưu tạm thời rác thải ở thành phố Quảng Ngãi từ ngày 15/7, cho đến khi Nhà máy xử lý rác thải Nghĩa Kỳ đi vào hoạt động.
Có thể bạn quan tâm
17:57, 12/07/2018
11:15, 08/07/2018
13:13, 07/07/2018
05:50, 02/07/2018
05:30, 28/06/2018
11:00, 25/06/2018
15:46, 24/06/2018
Quảng Ngãi là một đô thị đang trong giai đoạn đổi mới, “chuyển mình” về mọi mặt. Trong đó, những chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh, tiềm lực, nguồn lực nội sinh của địa phương đã và đang thu hút các dòng vốn đầu tư.
Dĩ nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Sức bật về kinh tế cũng góp phần thay đổi bộ mặt xã hội của phương, đời sống dân sinh được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xử lý rác, môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải đang là vấn đề tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Và nó đang là một trong những vấn đề nóng bỏng trên địa bàn.
Thực tế đang cho thấy, nhiều ụ rác quá lớn, tràn ra lòng đường, mỗi ngày lại nhiều hơn, ruồi nhặng bắt đầu vo ve. Người dân tự ghi dòng chữ “Xin đừng đổ rác ở đây vì xe không chở được”, “Đừng đổ rác ở đây nữa” hoặc “Bỏ rác vào thùng”... Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn, những tấm biển không thể ngăn được việc đổ rác và thùng cũng chẳng còn chỗ chứa.
Theo tìm hiểu, lượng rác sinh hoạt thu gom trên địa bàn khoảng 300 tấn/ngày. Thế mà, chỉ có duy nhất một nhà máy xử lý rác được xây dựng từ năm 2011. Chưa kể, công nghệ xử lý rác, quy trình xử lý rác vô cùng “có vấn đề”. Người ta xây dựng một bãi tập kết rác rất lớn để “chứa tạm”, phủ bạt lên rồi mới xử lý dần dần… Tức là, họ đã đầu tư rất ít cho nhà máy xử lý rác, công suất rất nhỏ, thay vào đó chỉ có một thứ lớn duy nhất là bãi tập kết rác tạm thời.
Phải nói rằng, “chuyện của rác” không phải của riêng tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian gần đây, rất nhiều bãi rác tại các tỉnh/thành để xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến người dân phải phản đối bằng nhiều hình thức, từ lên tiếng phản đối đến tụ tập đông người gây cản trở, ngăn cản bãi rác tiếp tục hoạt động… Ví như: Hà Tĩnh với bãi rác Phượng Thành; Nghệ An có bãi rác xã Ngọc Sơn; Hà Nội có bãi rác Phượng Xá..v..v.
Nên, vấn đề đặt ra: Có hay không câu chuyện của quản lý tiêu cực? Đã có cán bộ nào kiểm tra doanh nghiệp có đầu tư đúng những hạng mục cam kết hay chưa? Có hay không sự bao che, sự ưu ái cho những doanh nghiệp kém, cho những chủ đầu tư nhỏ, muốn đầu tư ít nhưng lại đòi quyền lợi cao từ việc xử lý rác thải?
Song song, các bãi chứa rác quá tải, cùng số rác tồn đọng là hiểm họa thật sự về môi trường. Kéo dài, nguy cơ về bệnh tật, dịch bệnh sẽ bắt đầu phát triển, kéo theo nhà nước sẽ phải tốn một nguồn kinh phí rất lớn để ngăn chặn dịch, bệnh nếu bùng phát.
Có người dân nói thế này, không biết cơ quan chức năng có trách nhiệm có trăn trở, rằng: “Chúng tôi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thì ai chia sẻ bệnh tật với chúng tôi. Hiện giờ chưa có nhưng về lâu dài ảnh hưởng tới con cháu, doanh nghiệp có chia sẻ không?”
Thật vậy, tốc độ phát triển đô thị hóa trong những năm qua rất nhanh, thế nhưng tốc độ quy hoạch hệ thống xử lý rác thải lại dậm chân tại chỗ. Khổ sở người dân chịu, trong khi tiền thuế, phí người dân vẫn đóng, nhưng đến khi doanh nghiệp làm không xong thì lại tiếp tục muốn người dân “chia sẻ”?
Đằng sau mùi hôi thối kia, đằng sau những con ruồi còn là cả sức khỏe của cộng đồng, sức khỏe của gia đình… Làm sao mà cứ ép người dân chấp nhận chia sẻ hay thông cảm mãi hoài?
Dẫu biết, rác thải sinh hoạt là vấn đề của toàn xã hội, toàn dân phải lo chuyện rác, chứ không nên khoán trắng hết cho bộ máy làm dịch vụ vệ sinh môi trường, hay chỉ quy trách nhiệm cho một lực lượng.
Có điều, đáng sợ nhất là có một loại rác gọi là “rác tư tuy” đang tồn tại ở những chiếc ghế cao ngất ngưởng thuộc cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm, lại không có Tâm và Tầm. Nên hệ lụy người dân nơi đây phải đối diện với bệnh tật, ô nhiễm môi trường ngày càng cao.
Xin đừng bắt dân phải sẻ chia những thứ không thể chia sẻ!