Vụ việc đang gây chú ý của dư luận bởi không chỉ lừa dối khách hàng về xuất xứ, chất lượng sản phẩm mà còn ở vấn đề niềm tin đối với người tiêu dùng khi vụ việc Khaisilk vẫn chưa lắng xuống.
Mới đây, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương Trần Hùng vừa ký văn bản hỏa tốc chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường TP HCM kiểm tra, làm rõ thông tin cắt tem nhãn, gắn mác ngoại, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng của Công ty Cổ phần Con Cưng (kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai với hệ thống 311 cửa hàng toàn quốc) trên cơ sở phản ánh của khách hàng.
Đợt kiểm tra này bắt nguồn từ việc ông Trương Đình Công Vĩnh (phường 14, quận Tân Bình, TP HCM) đã mua 7 sản phẩm ở một siêu thị thuộc hệ thống của Con Cưng tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) vào ngày 22-5. Khi về nhà, ông Vĩnh phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng bị lỗi. Ông Vĩnh đặt câu hỏi về nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm và lỗi về nhãn mác CF (Con Cưng Fashion).
Phía Con Cưng thừa nhận sản phẩm đã có dấu hiệu bị cắt tem nhãn cũ và thay tem nhãn mới và cho biết đã thu hồi khoảng 4.000 sản phẩm trong tổng số 9.000 sản phẩm cùng lô hàng này. Còn về số lượng có bao nhiêu sản phẩm lỗi vẫn chưa có con số thống kê.
Xét về bản chất của vấn đề, sự việc này khá tương đồng với chuyện lùm xùm, xấu hổ của Khaisilk vừa qua. Theo đó, doanh nghiệp này có thể bị khép vào tội làm hàng giả, hàng nhái, trốn thuế khi lộ hàng loạt dấu hiệu như mác “Made in Thailand” nhưng chú giải Tiếng Việt; Mã vạch sản phẩm Made in Thailand nhưng lại bắt đầu bằng 0012 (mã vạch Thái Lan bắt đầu 885); Biên lai bán hàng cho khách hàng ghi chú có thuế giá trị gia tăng (VAT) trong đơn giá nhưng không xuất trả hoá đơn VAT khi khách hàng yêu cầu...
Điều này càng minh chứng thêm một sự thật là, bao lâu nay, thói làm ăn trí trá của một số người Việt dường như đã trở thành thói quen xấu khó bỏ. Nhiều mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh tưởng như đứng đắn, nhưng khi cơ quan chức năng vào kiểm tra thì y rằng có chuyện làm ăn dối trá, bán hàng kém chất lượng hoặc trà trộn hàng nhái, hàng giả để bán cùng với hàng có xuất xứ, nguồn gốc để kiếm lời.
Những kiểu làm ăn không trung thực thế này không khác gì kiểu một bộ phận doanh nghiệp Việt tự đạp đổ đi “nồi cơm, bát cháo” của mình. Nguy hiểm hơn là họ không những tự làm mất uy tín của chính mình, không những gây ảnh hưởng cho chính họ, mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đến cộng đồng.
Những tưởng, chỉ có kiểu làm ăn nhỏ lẻ mới chộp giật, mới mang hàng “cắt mác” về để bán cho người Việt trong nước, còn các thương hiệu nổi tiếng đã được định vị trên thị trường thì chữ Tín phải quý hơn Vàng. Với lại, với truyền thống “Ăn cây nào, rào cây đó”, lẽ ra cả Con Cưng hay Khaisilk phải biết ơn người Việt và có những tri ân cụ thể bằng việc bán hàng đúng chất lượng, đúng giá cho người tiêu dùng.
Nhưng tiếc rằng, hết Khaisilk, giờ đến Con Cưng, họ bù đắp cho những người đã bỏ tiền để ủng hộ mình bằng cách lừa dối khách hàng! Rõ ràng, những doanh nghiệp này đã đánh cắp niềm tin của khách hàng, làm cho nhiều người yêu mến hàng Việt cảm thấy bị tổn thương.
Thu lời bất chính theo cách làm của những “gian thương”! Chúng ta không thể ủng hộ những chuyện như thế tồn tại ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp, thương hiệu lớn, vì nó làm ảnh hưởng không chỉ đến cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, mà còn gây hệ lụy xấu cho nền kinh tế nói chung nữa.