Trong bối cảnh nhiều chủ tàu phải “đỏ mắt tìm thuyền viên” do ngày càng nhiều người không muốn theo nghề thì Thông tư 22/2018 của Bộ NN&PTNT như càng đẩy ngành đánh bắt thủy hải sản vào đường cùng.
Những ngày này, nếu chịu khó đi dọc các cảng cá trên hai địa phương là Quảng Nam và Đà Nẵng, thật không khó để nhận thấy tình trạng “hẩm hiu” của nghề đánh bắt thủy hải sản.
Đã khó càng thêm khó
Ông Lê Hải, phó ban Nông Nghiệp xã Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam cho biết thời gian qua hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn xã đã không có được sự phát triển mà lại còn có bước đi lùi. Số lượng tàu thuyền đánh bắt giảm sút, nguồn lao động thiếu hụt cũng đã khiến cho sản lượng đánh bắt trở nên ít hơn. Năm 2018 sản lượng đánh bắt chỉ đạt được 93% thấp hơn so với cùng kì năm ngoái. Hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn lại 66 tàu đánh bắt xa bờ với 213 lao động, một con số đáng báo động khi nghề cá bỗng dưng ngưng phát triển và tụt lại phía sau.
“Chỉ mới 3 năm kể từ 2015, từ 103 tàu nay xã chỉ còn lại 66 tàu mà trong đó mới có 16 tàu được cải tạo nâng cao mã lực, còn lại đều là tàu cũ. Thiếu nguồn vốn nên việc cải tạo tàu để đánh bắt xa bờ là một vấn đề lớn trong khi nguồn vốn nhà nước hỗ trợ không đủ để người dân đóng tàu mới nên ít có người tiếp cận đến nguồn vốn vay”, ông Hải nói.
Không chỉ thiếu vốn, thiếu lao động cũng là một trong những vấn đề làm đau đầu các chủ tàu. Lấy ví dụ tại địa phương này, trong tổng số lượng lao động nghề cá còn thì có 12% số lao động đã vượt quá tuổi, người lao động hầu hết nằm ở ngưỡng từ 30 tuổi đến 60 tuổi. Và đều đáng quan ngại ở đây số người lao động dưới 30 tuổi không tới 1%, số lao động trẻ của nghề cá đang dần mất đi. Thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ khiến nhiều người lo cho tương lai của nghề cá liệu rằng có thể phát triển được nữa hay không. Hiện tại lớp trẻ đang có quá nhiều cơ hội để tìm kiếm được việc làm ở trên bờ, có thu nhập ổn định, ít đoái hoài đến việc ra khơi để đánh bắt.
“Bữa nay tìm người đi biển khó lắm, người làm biển ngày càng ít, ai cũng muốn tìm công việc trên bờ để mà làm”- nhiều ngư dân tâm sự.
Tại Đà Nẵng, tình hình cũng không khá hơn!
Ông Nguyễn Mỹ - tàu ĐNA 90682 cho biết việc tìm nhân công đối với các người có tàu cá như ông hiện nay rất khó khăn, người lao động hiện nay không gắn bó với một tàu cá nhất định, tàu nào có việc thì họ sẽ đi với tàu đó, khi chúng tôi cần thì lại không có nhân công. “Tôi thấy 70% tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Đà Nẵng nguyên nhân chính cũng là do thiếu nhân công. Hi vọng rằng nhà nước có chính sách hỗ trợ cho ngư dân chúng tôi, để người lao động có thể gắn bó lâu dài với tàu cá, nghề cá phát triển trở lại chứ nếu tình hình cứ như vậy có lẽ nghề cá sẽ còn tụt lại sâu hơn trong tương lai".
Cùng với thiếu lao động, theo ông Mỹ, ngành đánh bắt thủy hải sản hiện nay cũng đang đối diện với muôn vàn khó khăn: Đó là là việc giá dầu lên xuống thất thường, là ngư trường đang bị thu hẹp. “Ngày trước sản lượng cá nhiều có thể khai thác được nhiều chỗ, nay sản lượng cá đã giảm dần nên việc lựa chọn vị trí đánh bắt cũng không còn dễ dàng. Thêm vào đó các tàu cá phía Trung Quốc luôn tạo sức ép, cản trở việc chúng tôi đánh bắt. Đã có nhiều trường hợp tàu cá của mình bị truy đuổi và cướp thiết bị, cá khiến chúng tôi lo lắng.”
Đừng trói buộc ngư dân
Thiếu lao động nên việc các chủ tàu phải “cạnh tranh” với nhau để giành lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Điều này đã đưa nhiều chủ tàu vào tỉnh cảnh dở khóc, dỏ cười.
Một chủ tàu (đề nghị không nêu tên) cho biết nếu trước đây khi lao động có nhiều thì trước khi đi biển, chỉ ứng một ít tiền để gia đình ngư dân đảm bảo sinh hoạt thì hiện nay phải ứng nhiều mới có được lao động. “Thay vì ứng vài triệu thì tôi phải ứng hàng chục triệu nhưng chưa chắc ứng tiền đã có lao động vì có những ngư dân cùng lúc nhận tiền của nhiều tàu nên họ đi tàu khác, mình đến nhà đòi nợ cũng không chắc đòi được”.
Trong bối cảnh đó, Luật Thủy sản (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 với những quy định khiến cho ngư dân gặp những khó khăn trong ban đầu, khiến cho những vấn đề cũ không thể giải quyết.
Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng cho rằng từ trước đến nay nhà nước ta có chính sách hỗ trợ theo mã lực nên người dân đóng tàu chỉ đóng tàu chú ý theo mã lực, nay chính sách thay đổi hỗ trợ theo kích thước tàu phải hơn 15,5 mét khiến cho nhiều tàu cá mất đi nguồn hỗ trợ của nhà nước, khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Việc đòi hỏi bằng lái, bằng thuyền trưởng, danh bạ thành viên và định vị vệ tinh cũng trở thành những gánh nặng chi phối ngư dân khiến họ khó mà ra khơi để đánh bắt.
Cùng với đó, theo Thông tư 22/2018 của Bộ NN&PTNT quy định tiêu chuẩn thuyền viên tàu cá phải trong độ tuổi lao động và phải có chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế. Tuy nhiên những quy định này không phản ánh thực tế khi hầu hết tàu cá hoạt động theo mô hình hộ gia đình, các thành viên là thuyền viên.
Theo nhiều chuyên gia, các quy định trên áp dụng vào thực tế hiện nay thì nghề biển đang gặp một thách thức rất lớn vì khó có thể đáp ứng được hết yêu cầu, số thuyền viên càng ngày càng ít vì rủi ro cao và thu nhập thấp nên nhiều người bỏ nghề. Nếu ngư dân không ra khơi thì vùng biển quốc gia không có người bảo vệ trông giữ, nhưng mà yêu cầu trong độ tuổi lao động thì những người quá tuổi lại không được ra khơi, trong khi đó đa số những người ấy là thuyền trưởng!
Ông Lĩnh bảo: “Nếu quy định được áp dụng thì người dân sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, vì không phải ai cũng có bằng cấp. Nếu đi thì họ bị phạt, còn không đi thì sẽ không có tiền trang trải cuộc sống và trả các khoản vay. Đây cũng là một thử thách đối với ngư dân. Nếu như bây giờ người dân bỏ biển thì hậu quả khôn lường.”
Chia tay với ngư dân, với những chủ tàu trong trưa nắng tháng 4 đổ lửa, bên tai tôi vẫn còn nghe vang vọng những trăn trở của ngư dân về những khó khăn trong việc bám trụ với nghề truyền thống, bám trụ với biển bới với họ, nghề cá bên canh công việc mưu sinh còn là lòng yêu nước, là quyết tâm bảo vệ biên cương, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đừng đẩy ngư dân vào con đường khốn cùng chỉ vì một quy định không sát với thực tế!