Nếu cuộc đời đã giáng lên chúng ta những cú giáng liên tiếp đến mức khánh kiệt, tán gia bại sản, mà lúc ấy, chúng ta đã đi quá nửa dốc bên kia cuộc đời, ta sẽ làm gì?
Ngày bước chân sang đất Cát Bà, Hải Phòng để nhận thầu những công trình xây dựng, xử lý hệ thống nước thải, theo lời mời hợp tác từ một người quen, người đàn ông ấy đã nghĩ đến một viễn cảnh “ăn lên, làm ra”, “đi tươi, về tốt”. Ông không mảy may nghĩ rằng một chương đầy bi kịch trong cuộc đời đang bắt đầu. Mọi thứ diễn ra như một cơn ác mộng – vì nó chóng vánh quá và nghiệt ngã quá.
Phá sản vì “niềm tin”
Là một chủ thầu xây dựng có tiếng, người từng sáng lập và là Chủ tịch Hiệp hội xây dựng Miền Tây Quảng Ninh, ông Trần Văn Lợi đã có trong tay nhiều đội thợ với hàng trăm, lúc cao điểm là vài trăm lao động và một địa bàn thi công xây dựng trải từ Mông Dương, Cẩm Phả, Hạ Long. Có lúc công ty của ông đã nhận thầu tới 40 công trình lớn nhỏ.
Ông còn thành lập đội xây dựng “cấp cứu” chủ yếu để phục vụ những công trình của những chủ thầu khác đòi hỏi tính cấp thiết về mặt thời gian và hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Những năm tháng lăn lộn với nghề ông đã tích góp được vốn liếng, mua mấy lô đất ở Bãi Cháy, Hùng Thắng và xây được căn nhà 6 tầng khang trang ở khu Văn Công, phường Bãi Cháy.
Vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, tất cả những tài sản đó đã ra đi. Đúng hơn là ông phải bán để trả nợ. Không phải vì nợ bài bạc, thua độ bởi ông chưa một lần cho phép mình dính vào đỏ đen. Ông phải trả nợ vì niềm tin đặt không đúng chỗ.
Tin bạn một cách tuyệt đối, cùng lập chung tài khoản ngân hàng ông không biết rằng người đàn ông rủ ông chung thầu các công trình xây dựng ở Cát Bà thực ra đã nợ xấu ngân hàng rất nhiều tiền. Dồn tâm lực, huy động vốn liếng, nhân công để hoàn thành công trình theo hợp đồng ký kết, để rồi mỗi khi bên A chuyển trả tiền vào tài khoản thì cũng là lúc ngân hàng thu nợ.
Đến khi biết sự tình “quýt làm, cam chịu” thì đã muộn. Đau cho ông là hết vốn, phải vay ngân hàng để mua nguyên vật liệu và trả công thợ thì vì e ngại món nợ xấu còn lớn của nhân vật kia mà ngân hàng không cho ông vay. Đã đâm lao phải theo lao và vốn là người luôn tôn trọng những cam kết trong hợp đồng ông buộc lòng phải vay “tín dụng đen” để có tiền trang trải.
Lãi xuất lớn, khoản tiền nợ phình to từng ngày, con nợ thúc réo. Không trốn tránh, không gạt bỏ trách nhiệm, ông đã bán căn nhà 6 tầng, bán hết đất đai để trả nợ. Toàn bộ gia sản trị giá 20 tỷ đồng thế là thành mây khói và gia đình ông trở về đúng nghĩa tay trắng, nhà ở phải đi thuê.
Không chịu gục ngã
Rời Cát Bà, trở lại Hạ Long khi không vốn liếng, không nhà ở, tuổi già sừng sững trước mặt ( lúc ấy ông cũng đã 62 rồi). Càng nghĩ, càng thấm thía của đau con xót, càng dằn vặt mình nghê ngớm. Nhưng rồi rất nhanh ông tự trấn an mình. “Tiếc nuối thì ích gì, phải bắt đầu lại, phải hành động. Già ư? Thì đã sao. Còn sức, còn trí, sao ngồi không để chịu cái nghèo”.
Hơn nữa, tiền của không còn, nhưng vốn liếng học hành về xây dựng, bề dày trận mạc thi công các công trình vẫn còn nguyên đó. Mỗi khi đi qua một công trình ngày xưa xây dựng, qua một công trường đang thi công ông thấy nhớ nghề ghê gớm. Thì ra cái nghề xây dựng phong trần mưa nắng, bụi bặm và vất vả đã trở thành một phần cuộc đời, ông không thể thiếu nó. Phải trở lại nghề để tự cứu mình và thấy mình còn có ích cho mọi người.
Ngày19/11 vừa qua, khách sạn 7 tầng, 51 phòng với diện tích xây dựng gần 2000 m2 mang tên U23 tại tổ 94 khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu do ông nhận thầu thi công đã chính thức khánh thành, đi vào hoạt động.
Hôm khánh thành công trình này, ông Bùi Tiến Lực, chủ nhân của khách sạn đã trao tặng cho ông Lợi và anh em xây dựng tiền thưởng 20 triệu đồng vì như ông nói, “Đã hoàn thành vượt mức 10 ngày so với hợp đồng, dù thời gian thi công trong điều kiện thời tiết mưa bão”. Ông Lực cũng cho biết, tới nay ông đã thuê xây dựng 13 công trình nhưng công trình thứ 13 này do ông Lợi nhận thầu là công trình ông ưng ý nhất.
Không chỉ vì hoàn thành vượt mức tiến độ mà còn vì việc xây dựng đảm bảo đúng yêu của thiết kế ông đưa ra với sự chính xác tuyệt đối các thông số kỹ thuật trong từng chi tiết, hạng mục xây dựng đồng thời giá thành không bị đội lên dù giá nguyên vật liệu có biến động mà thậm chí còn giảm hàng trăm triệu đồng so với dự kiến.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lợi kể, khi ông quyết tâm làm lại từ đầu, biết ông vô sản nhưng nhiều người vẫn đến đặt thầu ông thi công công trình cho họ, vì ông có tiếng là chủ thầu kỹ thuật giỏi và có trách nhiệm. Nhưng ông nhủ mình phải thận trọng, không dàn trải, chỉ nhận những công trình bên A là người nghiêm túc, đảm bảo kịp thời nguồn vốn và tập trung dứt điểm, không theo kiểu nhận lấy được rồi kéo dài vì còn đi làm công trình khác. Đội ngũ thợ thì ông không lo.
Những ngày bĩ cực, ông vẫn trả lương anh em thợ một cách đầy đủ, thậm chí còn hỗ trợ chuyện hiếu hỉ với họ, dù ông đang rơi vào cảnh phá sản. Thế nên khi ông đứng lên tập hợp anh em lập tức quay lại. Việc trả công cao cũng giúp ông có trong tay đội ngũ kỹ thuật, thợ xây thiện chiến.
Quá hiểu việc đưa máy móc công nghệ vào thi công công trình sẽ nâng năng xuất, tính an toàn cho người thợ và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật xây dựng nên ông huy động bạn bè, anh em thợ, thậm chí là vay nóng ngắn ngày trong khi chờ bên A rót vốn để đầu tư mua máy vận thăng, máy cắt tự động, giàn giáo thép và các thiết bị xây dựng khác.
Lăn lộn trên công trường không chỉ trong vai trò người chỉ huy, quán xuyến mà khi cần ông làm tất: Lái xe, bốc vật liệu, dựng giáo, pha sơn. Bất chấp tuổi cao ông không thấy mệt mỏi hay công việc bận rộn, chất đam mê nghề đã cuốn đi khiến sự mệt mỏi không còn chỗ “trú ngụ”. Mỗi khi bàn giao khánh thành một công trình, ông lại có thêm những người yêu quý, đó là những người chủ đã thuê ông thi công.
Những người thợ, vì sự chăm lo, chân tình của ông mà tận tụy. Có thời điểm, thậm chí ông còn phải buộc họ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe. Cơn bĩ cực dần qua, mọi sự trở nên sáng sủa hơn.
Những dự định tương lai
Ông bảo sẽ động viên, hỗ trợ để người con trai nối nghiệp cha. Hiện, con ông đang theo học về kỹ thuật xây dựng, trong tương lai, người con này sẽ đứng vào vị trí của ông. Ông cho biết sẽ dành thời gian để truyền những kinh nghiệm, kiến thức xây dựng mà ông đã được học và đúc rút trong suốt cuộc đời xây dựng của mình cho con trai và anh em thợ.
Ông muốn có một đội ngũ thật giỏi, tinh thông và đa năng để có thể đảm nhận được những công trình xây dựng có tính phức tạp, đòi hỏi cao về kĩ thuật, công nghệ. Ông cũng đang dự tính cùng các công ty, tổ hợp xây dựng khác trên địa bàn thành lập trung tâm xây dựng chất lượng cao. Ở đó, người ta có thể tọa đàm, trao đổi, cung cấp thông tin, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các đối tác bạn, cùng tư vấn, giúp đỡ nhau xử lý những vướng mắc, những tình huống khó trong quá trình thi công xây dựng các công trình.
Mấy hôm nay ông lại vừa cho xuống móng công trình khách sạn 7 tầng. “Chưa thể nghỉ ngơi ngồi nhà được. Còn nhiều việc cần tôi, anh em người ta cũng đang cần mình. Không phải ngẫu nhiên mà tôi bỏ nhà nước, bỏ xí nghiệp xây lắp mỏ Mạo Khê, bỏ nghề mộc, bỏ quê hương (ông vốn quê Thái Bình) để theo nghề thi công xây dựng nay đây mai đó. Bập vào rồi mới thấy đây mới là cái nghề của mình. Tôi sẽ theo đuổi đến khi không còn sức khỏe nữa thì thôi”. - ông Lợi nói.
“Nhiều lúc nghĩ, mình lao động, mình làm việc, góp cho đời hàng trăm công trình xây dựng, tự hào lắm chứ. Với tôi, không bao giờ có hai từ quá muộn. Vốn liếng kinh nghiệm có, sức khỏe còn và vẫn còn được tín nhiệm mà lại đem “niêm cất” không dùng đến thì phí lắm”, ông Lợi tâm sự.
Nghe ông nói, tôi chợt nhớ đến Bài ca xây dựng của Hoàng Vân. Hình ảnh người thợ trong bài ca ấy, người mang đến “niềm vui cho những người vừa dọn đến ngôi nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong” hiện lên thật đẹp. Đúng là bao nhiêu tuổi không quan trọng, quan trọng là bạn đừng gục ngã, yêu lao động, biết sống với đam mê và muốn làm những điều có ích.