Phát biểu khai mạc Hội nghị về logistics, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng nhấn chìm tàu tàu lớn".
Dẫn câu nói của một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ mà chân dung của ông được in trên tờ tiền được sử dụng phổ biến nhất là đồng 100 USD - Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, tính cạnh tranh xuống thấp?
Có thể bạn quan tâm
09:58, 16/04/2018
08:18, 16/04/2018
09:43, 06/04/2018
08:44, 21/03/2018
09:50, 22/12/2017
07:03, 16/08/2017
Gánh nặng chi phí
“Vì vậy, phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó, chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam; bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, việc kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết đây là một trong 15 hội nghị chuyên đề dự kiến được tổ chức trong năm nay để giải quyết một số vấn đề trọng yếu, nhằm vào 4 nội dung lớn là nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và dịch vụ, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đặc biệt, tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.
Thủ tướng khẳng định vai trò to lớn của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển. Đồng thời, đây là một dịch vụ kinh doanh hấp dẫn được nhiều công ty trong và ngoài nước triển khai, mà “ta không làm thì các nước bạn sẽ làm và đặc biệt, chúng ta chưa có doanh nghiệp mạnh làm logistics”. Phải có doanh nghiệp mạnh làm logistics với sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, quy hoạch của Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ. Chức năng ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng...
Cho rằng khái niệm này rất rộng, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần nắm rõ. Ngành giao thông vận tải và công thương cần tổ chức vấn đề này cho tốt bởi “nếu làm tốt về logistics sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển, kho bãi... làm giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận”.
Tại hội nghị, Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP HCM (không tính chi phí xếp dỡ 2 đầu) vào khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và cao hơn 2,5 lần so với đường sắt.
Bộ GTVT đưa ra giải pháp tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%.
Dự kiến tại hội nghị, Bộ GTVT sẽ kiến nghị với Thủ tướng 6 giải pháp chính nhằm giảm chi phí logistics. Một là, cần có các giải pháp đồng bộ đầu tư hệ thống giao thông phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hai là, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn (ICD) của Việt Nam, Bộ GTVT đang xây dựng hệ thống chi tiết để ngay trong tháng 4-2018 sẽ trình lên Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt. Ba là, trong việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông cần ưu tiên cho hệ thống đường thủy nội địa, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL.
Hạ tầng cơ sở còn yếu kém
Nước ta hiện có trên 17.000 km đường nhựa, hơn 3.200 km đường sắt, 42.000 km đường thủy, 266 cảng biển và 20 sân bay. Tuy nhiên, chất lượng của mạng lưới giao thông không đồng bộ, nhiều nơi tiêu chuẩn kỹ thuật chưa đảm bảo an toàn trong giao thông. Tuy có 266 cảng biển, nhưng chỉ có 20 cảng biển có thể tham gia vào việc xuất nhập hàng hóa quốc tế. Đa số các cảng này chưa thể tiếp nhận các tàu container thông thương vì chưa đủ thiết bị cũng như kinh nghiệm bốc dỡ container...
Về phương thức vận tải, vận tải bằng đường hàng không chưa được phổ biến, mà chủ yếu bằng phương tiện vận tải đường bộ. Tuy vậy, như đã nêu, hệ thống giao thông này không thể được sử dụng cho vận tải hàng hóa nặng bởi đường hẹp, chất lượng kỹ thuật chưa cao, và năng lực vận tải quá thấp, trình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra. Nhiều khu công nghiệp xây dựng xong, nhưng chưa có đường giao thông hoặc các khu công nghiệp bố trí quá xa hệ thống cảng biển, làm chi phí vận chuyển hàng hóa tăng lên.
Vận tải đường sắt hiện nay chỉ chở hành khách là chủ yếu. Với hệ thống hai khổ ray khác nhau (1 m và 1,43 m), phương tiện vận tải này không thể được dùng để vận tải hàng hóa trọng lượng cao và mất rất nhiều thời gian (chuyến đường sắt Bắc - Nam mất đến 32 tiếng đồng hồ).
Vận tải đường thủy chủ yếu bằng xà lan, chi phí thấp, an toàn, ít xảy ra tai nạn, nhưng thời gian vận chuyển lâu và khách hàng vẫn chưa mặn mà với hình thức vận chuyển này.
Ngoài ra, sự kết hợp các phương thức vận tài khác nhau (vận tải đa phương thức) để kết hợp các ưu điểm của từng phương thức vận tải cũng chưa phổ biến ở Việt Nam. Vì những lý do đó, tổng phí logistics (phần lớn là chi phí vận tải) rất cao là lẽ đương nhiên. Tình hình này dẫn đến giá bán lẻ trên toàn quốc rất khác nhau. Một xu hướng chung của các doanh nghiệp Việt Nam (và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng) là không muốn lấy rủi ro, nên giá bán hàng hóa chỉ dựa trên giá bán FOB nguyên xứ (FOB origin), tức bán ra từ nhà máy, mà không bao gồm chi phí vận tải, trong khi đó, để cho giá bán lẻ đồng nhất trên toàn quốc, cần phải áp dụng giá bán FOB đáo xứ (FOB destination), tức giá hàng hóa cộng thêm chi phí vận tải trung bình từ nơi bán cho đến kho của khách hàng, để chi phí cập bến (landed costs) giống nhau.
Vì thế để giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, hạ được giá thành sản phẩm, cần thiết phải giảm chi phí logistics. Chi phí logistics nước ta năm 2011, ước tính hơn 25 tỉ USD. Như vậy, nếu chỉ giảm được 1% chi phí đó sẽ làm lợi cho doanh nghiệp, cho đất nước một số tiền không nhỏ.